MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đại biểu Quốc hội trăn trở khi thắng COVID-19 nhưng phải "thay tướng"

Nhóm PV LDO | 30/05/2023 11:37

Trong việc phòng chống dịch COVID-19, mặc dù chúng ta thu được rất nhiều thành quả, được thế giới ghi nhận nhưng Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TPHCM) bày tỏ băn khoăn "ngày xưa chiến thắng trở về, chúng ta mừng công, bây giờ chúng ta thay tướng".

Đất nước thắng COVID-19 lại phải "thay tướng".

Chiều 29.5, Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TPHCM) cho biết, tiêu cực thì phải chống, nhưng bà cũng đặt câu hỏi liệu đã quan tâm đúng mức đến việc xây dựng, bồi bổ làm sao cho ngành y tế phát triển mạnh hơn chưa?

"Xây dựng ngành y tế thực hiện rất chậm nhưng lại chỉ tập trung vào chống, như bệnh nhân thập tử nhất sinh thay vì được bồi bổ nâng cao thể trạng thì lại cắt bỏ phần hoại tử, cho dùng thuốc mạnh, thì chắc chắn sẽ chết" - bà ví von.

PGS Phạm Khánh Phong Lan cũng rất trăn trở khi ngày xưa thắng trận tổ chức mừng công, nay đất nước thắng COVID-19 lại phải "thay tướng".

Do vậy, bà Lan cho rằng, từ việc giám sát cho đến ra báo cáo, phải làm sao để sau này, nếu có những đại dịch, chúng ta sẽ đối phó được tốt hơn, bảo vệ người dân. Nếu e dè, tự làm khó mình. lo sợ không biết chuyện gì xảy ra.

"Chúng tôi phải có những cơ chế bảo vệ người làm cơ chế đó để trong mọi tình hình về sau này. Tôi cũng trong đoàn giám sát cũng trong tâm dịch. Đoàn giám sát đến địa phương chứng kiến rất nhiều người rơi nước mắt" - bà nói.

Thời dịch là anh hùng áo trắng, hết dịch phải viết giải trình

Cũng phát biểu cho ý kiến, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho biết, qua dịch COVID-19 chúng ta thấy rõ hơn lòng tham của một số người, kể cả những người có chức, có quyền đã lợi dụng sự mất mát, đau thương của người dân, của đất nước để cấu kết làm trái quy định pháp luật, làm giàu bất chính và thực tế đã bị pháp luật nghiêm trị.

Cũng theo ông Thông, qua giám sát cũng thấy được những bất cập, lỗ hổng của các quy định pháp luật và những vấn đề tồn tại khác mà báo cáo của Đoàn giám sát đã nêu. 

Để làm rõ, đại biểu đoàn Bình Thuận đã kể lại tâm sự của một bác sĩ. “Bác sĩ đó nói rằng, trong quá trình phòng, chống dịch, đội ngũ y sĩ, bác sĩ của đơn vị đã cố gắng hết sức mình động viên nhau, làm mọi cách, mọi biện pháp để có thuốc, có ôxy, có sinh phẩm để cứu bệnh nhân, vì sinh mệnh con người là quý nhất. Thời điểm đó, xã hội xem họ là những anh hùng áo trắng. 

Tuy nhiên khi hết dịch, qua vụ án của Việt Á và các vụ án có liên quan, hình ảnh những anh hùng áo trắng không còn nữa và nhiệm vụ chiếm nhiều thời gian, tâm trí và công sức nhất của các bác sĩ, các nhà quản lý y tế là viết các báo cáo giải trình cho các cơ quan chức năng”, ông Thông nói.

Theo ông Thông, vị bác sĩ này cũng cám ơn trung ương đã ban hành kịp thời những hướng dẫn xử lý, phân hóa đối tượng nên rất nhiều trường hợp không vướng vào vòng lao lý.

Đại biểu Trịnh Xuân An (chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh), đề nghị khi xác định trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong huy động nguồn lực và phòng chống COVID-19 cần đặt trong bối cảnh lịch sử cụ thể.

"Cần đánh giá công tâm, khách quan thấu tình, đạt lý đối với các sai phạm và trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của lực lượng tuyến đầu trong chống dịch. Có những vi phạm nếu chỉ căn cứ vào các quy định đơn thuần về trình tự, thủ tục khách quan trong lúc nước sôi, lửa bỏng thì cần gói lại để hệ thống tiếp tục được vận hành", ông An nêu quan điểm.

Góp ý tại hội trường về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TPHCM) cho biết, báo cáo cần bổ sung vấn đề cân bằng giữa xây và chống trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn