MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận). Ảnh quochoi.vn.

Đại biểu Quốc hội: “Tránh lo cho người nghèo theo kiểu đối phó”

CAO NGUYÊN - ĐẶNG CHUNG LDO | 01/11/2019 17:27

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận) nhấn mạnh, thực tế có trường hợp hộ gia đình có được tiếp cận nước sinh hoạt nhưng không được sử dụng thường xuyên. Về chỉ tiêu tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh từ 85% cho đến 90%, bà Hương đề nghị nghiên cứu quy định bao quát hơn, tránh lo cho người nghèo theo kiểu đối phó.

Ngày 1.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Đề án tổng thể phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Đại biểu Y Khút Niê (Ama Sa Ly) (đoàn Đắk Lắk) cho rằng, dù thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành 118 văn bản đề cập chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội ở vùng này, tuy nhiên, hiệu quả mang lại chưa đạt được như mong muốn.

Đây cũng là vùng khó khăn nhất vẫn còn tồn tại "5 nhất" so với cả nước, đó là: Điều kiện tự nhiên khó khăn nhất, nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận dịch vụ xã hội thấp nhất và tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.

Đại biểu Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) chia sẻ, Đề án đã nêu rõ nguyên nhân, có thể khái quát tình trạng “bội thực chính sách” nhưng thiếu nguồn vốn. Điển hình như chương trình mục tiêu quốc gia 3 năm chỉ đạt 52,1%, tổng nhu cầu vốn, nhiều chính sách không bố trí được nguồn vốn như chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội theo Quyết định 2085, 2086, chính sách bảo vệ rừng theo Nghị định 75, Quyết định 38 do quá nhiều chính sách dẫn đến chồng chéo, phân tán, thậm chí chính sách này suy giảm...

"Cần phân định rõ những lĩnh vực nào phải đầu tư toàn diện, lĩnh vực nào là trợ giúp. Thực tế, nhiều chính sách thời gian qua chỉ hỗ trợ chứ không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, vì hộ nghèo thì không có tiền để đóng góp. Bên cạnh đó, bỏ chính sách cấp phân bón, cấp giống cây, thậm chí cấp bò cho hộ nghèo thiếu điều kiện, vì không hiệu quả và lãng phí, phân tán nguồn lực”,  ông Vượt nói.

Trong khi đó, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận) cho rằng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng lõi nghèo của cả nước thì bất kỳ chính sách nào của Đảng, Nhà nước dành cho đều là cần thiết.

“Tôi xin khẳng định rằng, các chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thời gian qua đã có tác động tích cực, làm thay đổi diện mạo của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và tôi tán thành với kết quả đạt được đã được nêu tại đề án của Chính phủ”, bà Hương nói.

Về chỉ tiêu tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh từ 85% cho đến 90%, bà Hương đề nghị nghiên cứu quy định bao quát hơn, tránh lo cho người nghèo theo kiểu đối phó. Thực tế có trường hợp hộ gia đình có được tiếp cận nước sinh hoạt nhưng không được sử dụng thường xuyên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn