MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lớp bồi dưỡng chứng chỉ thăng hạng tại Đại học sư phạm Thái Nguyên.

Đại học Sư phạm Thái Nguyên đã cắt xén thời lượng học chứng chỉ thế nào?

Nhóm Phóng viên LDO | 10/11/2019 19:03

Đại học sư phạm Thái Nguyên đã có văn bản phản hồi loạt bài "Giấy phép con hành giáo viên" mà báo Lao Động phản ánh. Tuy vậy, khi đối chiếu nội dung học theo quy định mà nhà trường cung cấp, chúng tôi thấy thời lượng thực học đã bị cắt xén đi quá nhiều...

Khoá học bị cắt xén thế nào?

Liên quan đến loạt bài "giấy phép con hành giáo viên", Đại học Sư phạm Thái Nguyên đã có văn bản phản hồi gửi đến Báo Lao Động. 

Văn bản nêu rõ: "Trong mỗi chương trình bồi dưỡng đều quy định tổng khối lượng là 240 tiết. Trong đó có 106 tiết lý thuyết và 134 tiết để thảo luận, thực hành, thực tế, ôn tập, kiểm tra và viết thu hoạch. Nhà trường đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch bồi dưỡng trong 6 tuần. Ngoài học lý thuyết trực tiếp tại trường, học viên còn dành thời gian thảo luận (trực tuyến), thực hành (tại cơ sở giáo dục đang công tác), viết thu hoạch...".

Tuy vậy, quá trình tham gia khoá học bồi dưỡng tại Trung tâm phát triển kỹ năng sư phạm - Trường Đại học sư phạm Thái Nguyên (có địa chỉ tại số 01, đường Lê Quý Đôn, thành phố Thái Nguyên) của phóng viên Lao Động đã chứng minh điều ngược lại. Thời lượng học đã bị cắt xén tối đa.

Đại học sư phạm Thái Nguyên cắt xén thời lượng học như thế nào?

Cụ thể, chính cán bộ tại Trung tâm phát triển kỹ năng sư phạm Thái Nguyên nói rất rõ với chúng tôi rằng khoá học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên mầm non từ hạng IV lên hạng III khai giảng vào 29.9, chỉ học vào thứ bảy và chủ nhật, kéo dài từ 29.9 đến 13.10 (tính ra học viên phải học đủ 5 ngày thứ bảy, chủ nhật). Học viên phải tham gia đủ số buổi học trên lớp này.

Tuy nhiên, đến 5.10, khi chúng tôi vào đăng ký học thì các cán bộ tại trường "vẫn nhận như thường". Chúng tôi cũng chứng kiến không ít học viên khác được nhận vào học chen ngang ở các buổi tiếp theo.

Cũng theo ghi nhận, một số buổi học dù không học trên lớp, nhưng cán bộ của trung tâm trên vẫn hướng dẫn các học viên ký điểm danh "khống", rồi sau đó cho học viên nghỉ (cụ thể vào chiều chủ nhật ngày 16 và 13.10).

Việc này có bị coi là cắt xén thời lượng học hay không?

Và cũng cần phải khẳng định thêm, trong quá trình học chúng tôi không hề được "thảo luận trực tuyến" như cách mà Trường Đại học sư phạm Thái Nguyên đã phản hồi.

Sáng 13.10, giảng viên của khoá học cũng thông báo với học viên đây là buổi học cuối cùng của khoá bồi dưỡng.

Yêu cầu đối với học viên chỉ là viết một bài thu hoạch nộp về cho nhà trường, sau đó rồi đợi đúng thời hạn lấy chứng chỉ (sau ngày 29.11). Đó là bài thu hoạch duy nhất mà học viên phải làm trong cả khoá học "cấp tốc" này.

 Giáo viên phản ánh, bỏ hơn 2 triệu nhưng toàn học "kiến thức cũ".

Thế nhưng, nhiều học viên cũng chẳng cần phải làm bởi đã được "cò" chứng chỉ gửi đáp án cho tự viết bài thu hoạch hoặc "cò" viết và nộp cho luôn.

Trong văn bản phản hồi, trường Đại học sư phạm Thái Nguyên thừa nhận có trường hợp làm bài thu hoạch hộ, tuy vậy cho biết "việc ngăn chặn là tương đối khó". Nhà trường cũng xin rút kinh nghiệm trong công tác điểm danh học viên. 

Về phản ánh của giáo viên, nội dung học "cũ, nhàm chán vì đã được học hết trong trường sư phạm, giờ lại vẽ thêm ra", trường đại học sư phạm Thái Nguyên cho biết: "không có sự trùng lặp, chỉ có nội dung giao thoa kiến thức".

Cam kết sửa quy định về chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học

Cũng liên quan đến loạt bài "Giấy phép con hành giáo viên", ngay sau khi báo đăng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng vào cuộc thanh tra, cam kết xử lý nghiêm những sai phạm.

Tại phiên chất vấn tại quốc hội ngày 7.11, nhiều đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân về vấn nạn chứng chỉ làm khổ công chức, viên chức nhiều năm qua.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thừa nhận “văn bằng, chứng chỉ phiền hà lắm” và nhận khuyết điểm vì để vấn nạn chứng chỉ làm khổ công chức suốt nhiều năm qua.

Bộ trưởng cam kết: “Xin hứa với Quốc hội, sau khi Luật sửa đổi bổ sung Luật Cán bộ công chức ban hành thì chúng tôi sẽ sửa quy định về văn bằng chứng chỉ tin học, ngoại ngữ để không còn là gánh nặng với cán bộ công chức, viên chức nữa".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn