MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đắk Lắk đang có nhiều dự án chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nguyên nhân chủ yếu đến từ khâu giải phóng mặt bằng. Ảnh minh họa: Bảo Trung

Đắk Lắk: 9 tháng năm 2022, chỉ mới giải ngân được 26% vốn đầu tư công

BẢO TRUNG LDO | 15/09/2022 15:00

Đắk Lắk - Việc tỉnh Đắk Lắk chậm giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với những công trình xây dựng cơ bản, tiếp tục kéo theo rất nhiều hệ lụy khó lường.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, kế hoạch đầu tư công năm 2021 trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2022 với nguồn vốn ngân sách mà địa phương quản lý là hơn 614 tỉ đồng.

Tuy nhiên, tính đến ngày 10.9, tỉnh chỉ mới giải ngân được hơn 73 tỉ đồng, chỉ đạt hơn 11% kế hoạch.

Đối với kế hoạch đầu tư công năm 2022, UBND Đắk Lắk đã phân bổ cho các dự án và Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ là hơn 3.682 tỉ đồng.

Trong đó, phân bổ chi tiết cho các dự án trong kế hoạch năm 2022 là hơn 3.500 tỉ đồng. Tuy nhiên, tính đến ngày 10.9, toàn tỉnh mới giải ngân hơn 913 tỉ đồng, chỉ đạt 26% kế hoạch. Có 6 đơn vị chưa giải ngân được đồng vốn nào và 9 đơn vị giải ngân dưới mức bình quân chung của tỉnh 26%.

Tình hình triển khai đối với dự án khởi công mới bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương, việc giải ngân vốn đạt rất thấp.

Cụ thể, năm 2022, tỉnh Đắk Lắk bố trí mở mới 20 dự án với tổng số vốn 951 tỉ đồng nhưng đến giữa tháng 9 mới chỉ giải ngân được 29,9 tỉ đồng, đạt 3,1% kế hoạch.

Trao đổi với Lao Động, một lãnh đạo HĐND tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Trong tháng 10 tới, Ban kinh tế ngân sách của đơn vị sẽ có đợt giám sát các dự án chậm giải ngân vốn đầu tư công ở tỉnh. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công thực tế xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó cần phải kể đến khâu giải phóng mặt bằng.

HĐND tỉnh cũng đã đề nghị thời gian tới đối với công tác giải phóng mặt bằng các dự án thì cơ quan có thẩm quyền phải chủ tính toán trước các khoản chi phí trước khi triển khai. Trước đây, chúng ta phê duyệt, triển khai dự án rồi mới tiến hành đo đạc, bồi thường nên xảy ra tình trạng đội vốn lên đến 2, 3 lần".

Lãnh đạo HĐND tỉnh Đắk Lắk tiếp tục nhấn mạnh: "Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công thực tế gây ra nhiều hệ lụy cho địa phương. Ví như, khi tiến độ giải ngân chậm kéo theo việc hoàn thiện dự án không đúng như dự định ban đầu, hiệu quả công trình khi đưa vào sử dụng không cao, gây lãng phí ngân sách.

Công tác đền bù giải phóng mặt bằng tăng cao buộc chủ đầu tư dự án phải cắt giảm một số hạng mục so với thiết kế ban đầu để cân đối kinh phí dẫn đến tình trạng thiếu đủ trước thiếu sau, không đồng bộ, chất lượng công trình không đảm bảo theo thiết kế.

Ngoài ra, với đặc thù của tỉnh Đắk Lắk, ở nhiều dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia nhằm phát triển kinh tế - xã hội phục vụ cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa một khi chậm tiến độ cũng ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân".

Trước tình hình này, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị đã chỉ đạo nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công sẽ kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn