MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều doanh nghiệp tại Đắk Lắk vẫn nỗ lực duy trì việc làm cho người lao động trước dịch bệnh COVID-19. Ảnh: N.H

Đắk Lắk giải quyết việc làm cho hàng nghìn người lao động

BẢO TRUNG LDO | 16/01/2021 12:52

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, số lượng người lao động (NLĐ) thất nghiệp xin hưởng trợ cấp ở tỉnh Đắk Lắk vẫn còn khá cao. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Đắk Lắk cho biết sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung giải quyết vấn đề này, tìm kiếm công ăn việc làm ổn định cho NLĐ tại chỗ, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa...

Ảnh hưởng do dịch bệnh kéo dài

Theo số liệu từ Trung tâm Dịch vụ Việc làm Đắk Lắk: Trong năm 2020, toàn tỉnh có trên 9.000 người nộp hồ sơ thất nghiệp. Có 8.844 người đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN). Số tiền mà phía Bảo hiểm xã hội (BHXH) chi trả TCTN lên tới trên 127 tỉ đồng. Trong đó, số người làm ở địa phương khác nộp hồ sơ thất nghiệp là 5.136 người. Chỉ tính riêng trong tháng 12.2020, số lượng người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN là 566 người. Số người làm việc ở địa phương khác chuyển về Đắk Lắk là 314 người (chiếm 56%).

Bà Trần Thị Minh Lý - Trưởng phòng Lao động, Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐTBXH tỉnh Đắk Lắk - cho biết: "Số lao động thất nghiệp ở địa phương tăng cao là do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên nhiều doanh nghiệp ở địa phương bị đình trệ sản xuất, thu hẹp quy mô hoạt động. Ngoài ra, số lao động thất nghiệp từ các tỉnh khác (Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM) đổ về Đắk Lắk thời gian qua khá cao. Nhiều NLĐ đang tìm công việc tạm thời ở Đắk Lắk nhưng chỉ mang tính chất thời vụ, không có bền vững. Cần nhấn mạnh rằng, số lượng NLĐ thất nghiệp ở địa phương năm nay tăng cao hơn cùng kỳ những năm về trước".

Do ảnh hưởng dịch bệnh kéo dài nên công tác giới thiệu việc làm cho người lao động (NLĐ) thất nghiệp chưa đạt được kết quả khả quan. Số NLĐ tìm được việc làm mới khi được giới thiệu không nhiều. Công tác hỗ trợ học nghề cũng chịu ảnh hưởng do vấn đề giãn cách xã hội buộc các cơ sở đào tạo nghề phải tạm dừng hoạt động trong một khoảng thời gian đáng kể - bà Lý thông tin thêm.

Được biết, địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện vẫn chưa có đơn vị, doanh nghiệp nào được chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ để duy trì việc làm cho NLĐ. Nguyên nhân dẫn đến vấn đề này là do quy định về điều kiện hưởng chế độ khá chặt và chưa mở rộng đối với nhiều trường hợp cụ thể. Nhiều NLĐ vì thế khó tiếp cận và đáp ứng đủ yêu cầu để được hưởng chế độ này.

Tình hình có khả quan trong năm 2021?

Ông Trần Phú Hùng - Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Đắk Lắk - nhận định: "Với tình hình thất nghiệp như hiện nay, trong năm 2021, cơ quan chức năng tỉnh sẽ phải chủ động tìm các đơn hàng lớn, kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động (đặc biệt là ở các khu công nghiệp) để giới thiệu việc làm cho NLĐ ở địa phương. Ngoài ra, Sở LĐTBXH cũng sẽ tiếp tục tăng cường công tác giáo dục, đào tạo nghề nghiệp, kết nối thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động để giải quyết việc làm bền vững cho NLĐ, tạo thu nhập ổn định cho họ.

Sở sẽ cùng với UBND tỉnh và các đơn vị liên quan khác tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp lớn đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng để giải quyết việc làm cho NLĐ ở địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số khu vực vùng sâu, vùng xa; tăng cường thu thập thông tin thị trường lao động, khai thác vị trí việc làm trống để giới thiệu, tư vấn học nghề cho NLĐ đang thất nghiệp chọn nghề, việc làm phù hợp. Nếu như trong thời gian tới, Đắk Lắk thực hiện được các nhiệm vụ trên, số lượng NLĐ thất nghiệp tại địa phương sẽ giảm đáng kể.

Được biết, năm 2021, Sở LĐTBXH tỉnh Đắk Lắk còn đề ra chỉ tiêu đưa 1.250 lao động đi làm việc ở nước ngoài; hướng dẫn triển khai chính sách vay hỗ trợ xuất khẩu lao động đúng đối tượng và đẩy mạnh việc hỗ trợ về thông tin thị trường lao động nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ LĐTBXH...

Mới đây, trong buổi làm việc của Tập đoàn Xuân Thiện (tỉnh Ninh Bình) với Thường trực Tỉnh uỷ Đắk Lắk để bàn bạc, xin chủ trương đầu tư xây dựng "Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi, chế biến thực phẩm công nghệ cao và Logistics Xuân Thiện Đắk Lắk", tổng vốn hơn 20.000 tỉ đồng. Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk Bùi Văn Cường, cho biết: "Các dự án kinh tế lớn khi triển khai ở tỉnh phải tạo công ăn việc làm cho người lao động ở địa phương, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, tạo sự đồng thuận tuyệt đối giữa người dân với doanh nghiệp lẫn chính quyền.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn