MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Văn phòng Tỉnh ủy vừa ban hành quyết định buộc thôi việc với bà Ái Sa.

Đắk Lắk: Gian dối bằng cấp sẽ bị xử lý nghiêm, không có vùng cấm

HỮU LONG LDO | 26/10/2019 07:17

Việc phát hiện nhiều trường hợp cán bộ trong tổ chức Đảng, chính quyền tại Đắk Lắk thiếu bằng cấp là bài học đắt giá đối với những người làm công tác tổ chức, quản lý, rà soát hồ sơ cán bộ của địa phương. Liên quan đến vấn đề này, đồng chí Bùi Văn Cường, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk đã chỉ đạo các địa phương trong toàn tỉnh nhanh chóng rà soát công tác cán bộ, nhất là những người giữ vị trí cán bộ chủ chốt, lãnh đạo.

Đối với những trường hợp cán bộ thiếu hoặc gian dối bằng cấp, Tỉnh ủy Đắk Lắk sẽ xử lý nghiêm, không có vùng cấm.

Hàng loạt trường hợp vi phạm

Chỉ riêng tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, đã phải ban hành 2 quyết định buộc thôi việc, cách chức đối với các bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (giả) - Trưởng phòng Hành chính và bà Bùi Thị Thân - Phó Trưởng phòng Hành chính vì sử dụng bằng cấp 3 không hợp lệ. Trường hợp của bà Ái Sa (giả) và bà Thân chỉ là một trong số nhiều cán bộ làm việc trong tổ chức Đảng, chính quyền ở Đắk Lắk bị phát hiện sử dụng bằng cấp không hợp lệ.

Trong năm 2018, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk đã tiến hành xác minh, thẩm tra hồ sơ và phát hiện ông Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk - không có bằng đại học. Sau khi nắm được thông tin ông Nguyễn Thanh Hiệp không có bằng đại học, HĐND tỉnh đã báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc để ông Hiệp làm hết nhiệm kỳ này và không bổ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐND tỉnh trong nhiệm kỳ tới.

Trước các sự việc liên quan công tác cán bộ tại tỉnh Đắk Lắk, Thường trực Tỉnh uỷ Đắk Lắk đã có văn bản “nóng” gửi cho các huyện, thị xã, thành phố, sở ngành rà soát lại công tác cán bộ. Ông Nguyễn Thượng Hải - Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk - khẳng định, sau này, trong quá trình làm việc, nếu cơ quan chức năng nhận đơn tố cáo của người dân về bằng cấp của cán bộ không hợp pháp, thì cơ quan trực tiếp quản lý phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Theo ông Hải, việc rà soát cũng như xử lý đối với những trường hợp vi phạm đã có sự phân cấp.

Xử lý nghiêm, không có vùng cấm

Đồng chí Bùi Văn Cường - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk - cho biết, qua việc thực hiện Kết luận của Ban Bí thư, Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương liên quan đến rà soát cán bộ, tỉnh Đắk Lắk và một số địa phương thời gian qua xuất hiện tình trạng một số cán bộ có nhiều vấn đề trong đó nổi lên là chuyện bằng cấp. “Qua rà soát, Đắk Lắk phát hiện một số vi phạm. Cụ thể, đối với những tập thể, cán bộ, Đảng viên vi phạm, Tỉnh ủy Đắk Lắk có quan điểm sẽ xử lý nghiêm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ” - đồng chí Bùi Văn Cường nhấn mạnh.

Không chỉ xử lý nghiêm những trường hợp khai man bằng cấp mà Tỉnh ủy Đắk Lắk còn thể hiện sự kiên quyết thông qua việc làm rõ quy trình bổ nhiệm, xử lý cả những cá nhân, tổ chức liên quan đến việc bổ nhiệm của cán bộ đó. Điển hình như vụ việc bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (giả) - Trưởng phòng Hành chính thuộc Văn phòng Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk đã có văn bản chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thành lập đoàn kiểm tra, nghiên cứu hồ sơ, tài liệu có liên quan đến trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức về việc tiếp nhận, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ và kết nạp Đảng đối với bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (giả).

Nhiều nguyên nhân dẫn đến việc có người không đủ bằng cấp nhưng vẫn làm việc tại các cơ quan nhà nước. Trong đó, không thể không nhắc đến quy trình thẩm tra lý lịch, hồ sơ bằng cấp còn nhiều lỗ hổng. Vụ việc nữ Trưởng phòng Hành chính Trần Thị Ngọc Ái Sa là một ví dụ điển hình. Trong hồ sơ, bà Ái Sa (giả) khai gia đình có 11 anh chị em, trong đó có chị gái tên Trần Thị Ngọc Ánh là đảng viên, công tác trên địa bàn phường 4 (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng). Quá trình xác minh lý lịch bà Ái Sa (giả), Chi bộ Phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy đã xác minh qua chi bộ của người chị Ngọc Ánh mà không đến Đảng ủy - nơi bố mẹ chị Ái Sa sinh sống - Đảng bộ TP.Đà Lạt để xác minh mới dẫn đến sai sót.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn