MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các giáo viên bị chấm dứt hợp đồng có quyền khởi kiện người sử dụng lao động là huyện Krông Pắk, để đòi quyền lợi.

Đắk Lắk: Giáo viên có quyền khởi kiện Chủ tịch huyện ký bừa

Hữu Long LDO | 11/05/2018 20:33

Kỳ thi tuyển viên chức tại huyện Krông Pắk kết thúc, nhiều giáo viên trong diện hợp đồng "đến ngày thi tuyển", "hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế" sẽ bị chấm dứt hợp đồng... Đáng nói, hợp đồng lao động này ngay từ đầu đã sai với quy định.

Hai đời chủ tịch huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) đã ký hơn 500 hợp đồng lao động (HĐLĐ - PV) theo hình thức đợi "đến ngày thi tuyển", "hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế". Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi cùng luật sư Trương Quốc Hòe - Đoàn Luật sư Hà Nội về tính pháp lý của các hợp đồng này. 

Theo quy định pháp luật, HĐLĐ thời hạn "đến ngày thi tuyển", "hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế" mà huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) ký với người lao động có đúng quy định hay không ?

- Khi HĐLĐ xác định thời hạn và HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết HĐLĐ mới. 

Trường hợp nếu không ký kết HĐLĐ mới thì hợp đồng đã giao kết theo hợp đồng xác định thời hạn trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn và hợp đồng theo mùa vụ đã giao kết trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng…

Theo quy định của pháp luật, không có loại HĐLĐ thời hạn “đến ngày thi tuyển” hoặc “hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế” như hợp đồng mà UBND huyện Krông Pắk đã ký đối với các giáo viên mà phải quy định cụ thể về thời hạn.  

Nếu HĐLĐ giữa huyện Krông Pắk và các giáo viên không đúng quy định thì người ký hợp đồng này chịu trách nhiệm như thế nào và quyền lợi của các giáo viên trong trường hợp này bị ảnh hưởng ra sao?

- Đối với các hợp đồng đã ký giữa UBND huyện Krông Pắk với các giáo viên thực hiện sai các quy định của pháp luật, người chịu trách nhiệm chính là chủ tịch huyện.

Khách quan mà nói, đây không chỉ là trách nhiệm riêng của chủ tịch UBND huyện Krông Pắk mà còn là trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền có liên quan trong việc lên kế hoạch, đưa ra chỉ tiêu và phân bổ nguồn nhân lực cho phù hợp. Nếu các giáo viên chứng minh được thiệt hại thì UBND huyện Krông Pắk phải có trách nhiệm bồi thường.

Đối với các giáo viên - người ký hợp đồng, trường hợp này có thể khởi kiện chủ sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.

Tùy theo mức độ yêu cầu người làm sai phải có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ hoặc một phần tiền bồi thường theo quy định của pháp luật.

Theo quy định người lao động nghỉ việc vì bất kỳ lý do gì, cơ quan sử dụng lao động phải hỗ trợ nửa tháng lương cơ bản/năm công tác và các giáo viên này đóng bảo hiểm thì cơ quan BHXH cấp tỉnh phải hỗ trợ 1 tháng lương cơ bản/năm công tác.

Nếu chưa khởi kiện, các giáo viên bị chấm dứt hợp đồng có thể thỏa thuận phương án về lương, về phương án hỗ trợ đối với việc chuyển đổi và tìm kiếm công việc mới...

Giáo viên bị chấm dứt hợp đồng làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình trong trường hợp này?

- Các giáo viên có thể khởi kiện người ký hợp đồng hoặc ký quyết định tuyển dụng để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, người khởi kiện phải xác định và chứng minh được thiệt hại đó.

Xin cảm ơn!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn