MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một số loại cây giống như cà phê, cao su, hồ tiêu ở địa bàn tỉnh Đắk Lắk có chất lượng rất cao. Ảnh: Bảo Trung

Đắk Lắk tiếp sức nông dân trả lại màu xanh cho rừng

BẢO TRUNG LDO | 10/07/2024 10:06

Đắk Lắk - Nhiều nông dân sống ở lưu vực sông Sêrêpốk đã và đang được trang bị các kiến thức hữu ích trong việc phát triển vườn ươm cây giống. Từ đó, người dân mang hiểu biết này góp phần vào việc phục hồi rừng theo mô hình nông lâm kết hợp.

Ngày 10.7, Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới (Tropenbos Việt Nam) phối hợp với Trường Đại học Tây Nguyên triển khai khóa tập huấn kỹ thuật vườn ươm với sự tham gia của nhiều nông dân sinh sống tại vùng lưu vực sông Sêrêpốk (tỉnh Đắk Lắk).

Sự kiện được tổ chức nhằm cung cấp các kiến thức và kỹ năng về xây dựng, quản lý vườn ươm cây trồng có quy mô gia đình, cộng đồng. Hoạt động này góp phần giúp người dân phục vụ cho việc trồng rừng cũng như phục hồi rừng theo mô hình nông lâm kết hợp.

Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, tổng diện tích vườn ươm trên địa bàn tỉnh là hơn 1.200 ha. Trong đó, vườn ươm Nhà nước chiếm khoảng 20%, vườn ươm tư nhân chiếm khoảng 70%, còn lại là vườn ươm cộng đồng.

Năm 2023, sản lượng giống cây trồng tại Đắk Lắk đạt khoảng 100 triệu cây con, đủ đáp ứng nhu cầu cho sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các loại giống cây trồng được sản xuất chủ yếu như cà phê, cao su, hồ tiêu, cây ăn quả và một số loại cây khác. Tổng giá trị sản xuất giống cây trồng tại địa bàn đạt khoảng 1.000 tỉ đồng.

Hoạt động sản xuất vườn ươm góp phần đáng kể vào thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.

Người nông dân được trang bị thêm kiến thức để phát triển, nâng cao chất lượng cho vườn ươm cây giống. Ảnh: Bảo Trung

Theo Thạc sĩ Trần Thị Xuân Phấn (Trường Đại học Tây Nguyên), hệ thống vườn ươm đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn giống cây trồng chất lượng cao, sạch bệnh cho các hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp trong lưu vực sông Sêrêpốk.

Giống cây khỏe mạnh, đồng đều sẽ giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và khả năng chống chịu sâu bệnh. Vườn ươm cây giống còn là chìa khóa chính cho bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn.

Sự mất đa dạng sinh học vùng nhiệt đới là đang một vấn đề đáng lo ngại. Mức độ đặc hữu cao trong các khu vực dễ làm phá hủy môi trường sống cục bộ có thể khiến một số loài động thực vật vốn đã dễ bị tổn thương có nguy cơ tuyệt chủng cao hơn. Công việc vườn ươm để nhân giống và gia tăng các loài quý hiếm là cần thiết cho việc bảo tồn các loài này.

"Việc thành lập các ngân hàng hạt giống, bao gồm cả các vườn ươm rất cần thiết để phục vụ các nhu cầu trong tương lai, trong đó có việc phục hồi rừng" - Thạc sĩ Trần Thị Xuân Phấn thông tin thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn