MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường khẳng định: “Tỉnh Uỷ luôn theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh ở địa phương để kịp thời đưa ra các phương án chỉ đạo phù hợp, thỏa đáng nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng của bà con''. Ảnh B.T

Đắk Lắk triển khai nhiều biện pháp hiệu quả để phòng, chống dịch bạch hầu

BẢO TRUNG LDO | 22/07/2020 08:54

Ngay từ khi dịch bạch hầu bùng phát, quán triệt chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, Sở Y tế tỉnh đã ngay lập tức thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch và đạt nhiều hiệu quả tích cực, được Bộ Y tế đánh giá cao.  

Cấp tốc triệt xóa các ổ dịch

Hiện, số ca nhiễm bạch hầu ở Đắk Lắk đang có dấu hiệu chững lại, trong ngày hôm qua 22.7, tỉnh chỉ ghi nhận thêm một ca nhiễm bạch hầu mới. Tổng số ca nhiễm bệnh ở địa phương này đang dừng lại ở mức 18 ca. Đắk Lắk đang là tỉnh có số ca nhiễm ít nhất trong nhóm 4 tỉnh Tây Nguyên (ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh).  

Ở tất cả các ổ dịch tại Đắk Lắk, lực lượng y tế địa phương phối hợp tích cực với Trung tâm kiểm soát bệnh tật khoanh vùng, phong tỏa người dân kết hợp làm khử trùng khu vực và nhất là tiêm chủng vaccine phòng bệnh cho bà con.  

Ông Nay Phi La - Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk - cho biết: ''Đơn vị đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của dịch bệnh. Nhiều ngày qua, lãnh đạo sở đã đi về tận các ổ dịch để chỉ đạo các đơn vị tuyến dưới cấp tốc triệt xóa các ổ dịch, hạn chế tối đa các ca lây nhiễm mới và nhất là phải tiêm vaccine đầy đủ cho người lớn và trẻ em.

Hiện, ngành y tế vẫn đang kiểm soát tốt tình hình. Cả hệ thống chính trị ở các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng y tế, bằng mọi giá phải đẩy lùi dịch bệnh''.

Lãnh đạo Sở Y tế Đắk Lắk đến thăm người dân ở một ổ dịch bạch hầu. Ảnh B.T

Hiện, Sở Y tế Đắk Lắk đã tái thiết lập ''ATM gạo'' để hỗ trợ cho bà con ở trong các khu cách ly. Trung tâm Y tế địa phương phối hợp với chính quyền sở tại vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân quyên góp, ủng hộ gạo, nhu yếu phẩm cho đồng bào vùng dịch. Mỗi người sẽ được lấy một lượng gạo nhất định, đủ dùng trong thời gian vùng đang sống bị phong tỏa. 

Đơn cử, Huyện đoàn M’Đrắk vừa khởi động chương trình ATM gạo lưu động “San sẻ yêu thương” nhằm hỗ trợ người dân đang bị cách ly.

Huyện đoàn M'Đrắk tái khởi động ''ATM gạo'' để hỗ trợ bà con vùng dịch. Ảnh N.T

Đơn vị này đã phát 1 tấn gạo và 100 thùng mì tôm cho 160 hộ dân tại 2 thôn của huyện M’Đrắk. Mỗi hộ dân được nhận 5kg gạo và 5 gói mì tôm.

Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu Sở Tài chính trên cơ sở đề xuất của Sở Y tế nhanh chóng rà soát, tham mưu lãnh đạo tỉnh cấp kinh phí để triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống, dịch bạch hầu.

Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai đầy đủ các biện pháp ứng phó khi có ca bệnh, ca nghi bệnh bạch hầu theo hướng dẫn.

Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường - nhấn mạnh: ''Trong bối cảnh dịch bạch hầu đang có diễn biến phức tạp, các cấp, ngành trong tỉnh phải chủ động, chuẩn bị các kế hoạch ứng phó hiệu quả với các tình huống xảy ra, tuyệt đối không để ''dịch chồng dịch". Tỉnh Uỷ luôn theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh ở địa phương để kịp thời đưa ra các phương án chỉ đạo phù hợp, thỏa đáng nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng của bà con''.

Được Bộ Y tế đánh giá cao

Hôm 21.7, tại buổi làm việc với Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (Đắk Lắk), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã đánh giá cao công tác phòng chống dịch bạch hầu của riêng ngành y tế Đắk Lắk và đơn vị này.

Lực lượng y tế Đắk Lắk tiêm vắc xin phòng dịch cho người dân vùng sâu, vùng xa. Ảnh Q.T

Bộ Y tế rất quan tâm công tác phòng ngừa dịch bệnh bạch hầu ở các tỉnh Tây Nguyên. Bộ cũng đã cử nhiều đoàn công tác để chỉ đạo như đoàn của Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên; Quyền bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long… Kết hợp chỉ đạo các bệnh viện Bạch Mai, Nhiệt Đới TPHCM, Trung ương Huế… cử cán bộ tập huấn cho cán bộ y tế ở Tây Nguyên để công tác phòng chống dịch bệnh đạt được hiệu quả. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao công tác chống dịch bạch hầu của Đắk Lắk. Ảnh B.T

Đắk Lắk vẫn chưa ghi nhận ca tử vong nào. Các ca nhiễm bệnh đa phần được theo dõi điều trị tại các Trung tâm y tế huyện. Qua đó, cho thấy các cơ sở y tế địa phương được quan tâm đầu tư tốt về cả nhân lực và trang thiết bị.

Việc ngành Y tế Đắk Lắk tiến hành lập một nhóm Zalo với tên gọi '' Bạch hầu - sốt xuất huyết'' cho thấy sự quyết tâm phòng chống dịch bệnh của các cấp y tế ở địa phương. Qua đó, lực lượng y tế có thể kịp thời xử lý nhanh chóng, thỏa đáng những vấn đề phát sinh trong công tác phòng chống dịch bạch hầu, Thứ trưởng Sơn cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn