MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cơ quan chức năng trao tín chỉ dạy nghề cho người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Bảo Lâm

Đắk Nông gắn dạy nghề cho lao động nông thôn với xóa đói giảm nghèo

Phan Tuấn LDO | 21/12/2023 06:00

Thời gian qua, tỉnh Đắk Nông luôn xác định tập trung thực hiện tốt công tác dạy nghề cho lao động nông thôn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo tiền đề cho các địa phương hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phát triển thương mại, dịch vụ, góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy quá trình xóa đói giảm nghèo hiệu quả.

Tiếp sức cho người dân phát triển hiệu quả kinh tế

Đắk Glong là huyện nghèo thuộc diện 30A của Chính phủ. Hiện phần lớn người dân nơi đây chủ yếu tham gia phát triển kinh tế bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Trong bối cảnh này, các ngành chức năng trên địa bàn huyện Đắk Glong đã quan tâm mở nhiều lớp đào tạo nghề nông nghiệp nhằm giúp người nông dân nơi đây tiếp cận khoa học kỹ thuật, cải tạo vườn rẫy, chuồng trại... phát triển kinh tế hiệu quả.

Điển hình như hộ gia đình chị Đàm Thúy Kiều, ở xã Quảng Hòa đang sản xuất 1ha cà phê và 7 sào dâu tằm.

Trước đây, gia đình chị Kiều sản xuất các loại cây trồng trên theo kinh nghiệm của bản thân nên hiệu quả kinh tế không cao. Vừa qua, chị Kiều đã tham gia lớp dạy nghề sơ cấp Kỹ thuật trồng trọt và bảo vệ thực vật do Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Giáo dục nghề nghiệp huyện Đắk Glong tổ chức ngay tại xã Quảng Hòa.

Theo chị Kiều, các thầy cô đã cầm tay chỉ việc giúp người nông dân nắm rõ đầy đủ các bước khoa học kỹ thuật phát triển nghề trồng trọt và bảo vệ thực vật. Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề, chị Kiều và người dân nơi đây đã từng bước áp dụng những kiến thức học được vào việc phát triển kinh tế gia đình.

Tương tự, Đắk Mil được xem là thủ phủ của cây sầu riêng với tổng diện tích khoảng 1.700ha. Tuy nhiên, người dân ở đây đang phát triển loại cây trồng này theo phong trào, nên cơ quan chức năng đã mở nhiều lớp dạy nghề kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng để tiếp sức cho bà con nông dân phát triển hiệu quả.

Trong khoảng thời gian 3 tháng, các học viên sẽ được hướng dẫn kỹ thuật chọn cây giống, trồng và chăm sóc cây sầu riêng ở từng giai đoạn sinh trưởng, quy trình bón phân, cách phòng trừ sâu bệnh thường gặp trên cây sầu riêng, các biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả, chăm sóc cây sau thu hoạch...

Chia sẻ về việc này, chị Hoàng Thị Bình, ở xã Đắk N'Drót cho biết, gia đình có 50 cây sầu riêng trồng xen canh trong 1ha cà phê. Trước đây, gia đình chị trồng cây sầu riêng theo kinh nghiệm mà các người dân địa phương tự truyền dạy cho nhau nên hiệu quả chưa cao. Sau khi được học nghề, chị đã tiếp thu, đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý để phát triển hiệu quả cây sầu riêng, cải thiện nguồn thu nhập cho gia đình.

Nhiều người dân ở huyện Đắk Mil tham gia học nghề kỹ thuật chăm sóc và phát triển cây sầu riêng. Ảnh: Bảo Lâm

Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, những năm qua, các ngành chức năng, địa phương trên địa bàn tỉnh đã chú trọng mở nhiều lớp dạy nghề nhằm góp phần nâng cao trình độ nguồn nhân lực và giúp người dân dễ dàng tìm kiếm việc làm hoặc tự phát triển sản xuất, kinh doanh, gia tăng hiệu quả kinh tế cho bản thân, gia đình.

Để có được kết quả trên, hằng năm, chương trình đào tạo nghề đã được các ngành, địa phương tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động. Từ đó, cơ quan chức năng sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo sát với tình hình thực tế và nhu cầu đào tạo nghề của từng xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tránh tình trạng đào tạo tràn lan không có định hướng.

Theo ông Hoàng Viết Nam - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được gắn kết chặt chẽ giữa khâu sản xuất với khâu tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động... Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Qua khảo sát công tác đào tạo nghề cho thấy, chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngày càng được nâng cao. Người học nghề đã tiếp cận, áp dụng những kiến thức được học về khoa học kỹ thuật mới, tiên tiến vào quá trình sản xuất.

Từ đó, người lao động đã giảm được chi phí, tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Thông qua các lớp dạy nghề người lao động nông thôn đã biết vận dụng vào sản xuất, chăn nuôi, làm ăn phát triển kinh tế cho gia đình.

Theo thống kê, trong năm 2023, các ngành chức năng, địa phương đã tổ chức đào tạo nghề cho 8.491 người, đạt 212,27% kế hoạch năm, bằng 147,25% so với cùng kỳ năm 2022. Số lao động được tạo việc làm là 18.498 lượt người, đạt 101,64% so với kế hoạch năm, bằng 88,44% so với cùng kỳ năm 2022.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn