MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cây mắc ca đang cho thu nhập khá, mang lại hiệu quả trong công tác giảm nghèo ở Đắk Nông. Ảnh: Văn Tâm

Đắk Nông tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân

Phan Tuấn LDO | 09/12/2023 12:24

Thời gian qua, công tác giảm nghèo bền vững đã được các cấp ngành trên địa bàn tỉnh Đắk Nông triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong thời gian tới, Đắk Nông hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên.

Quan tâm chăm lo đời sống cho người dân

Đắk Nông hiện có khoảng 40 dân tộc anh em cùng chung sống. Sau gần 20 năm tái lập tỉnh Đắk Nông, điều dễ dàng nhận thấy là đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đã được nâng lên rõ rệt, nhất là đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Trước đây, đường sá di chuyển vào thôn Đắk Kual 5, xã Đắk N'Drung chủ yếu là bằng đường đất nên vào mùa khô thì bụi bay mịt mù, mùa mưa thì lầy lội, nhiều phương tiện bị "tê liệt" không thể di chuyển. Thời điểm trời mưa gió chỉ có xe máy gắn xích hoặc xe công nông, máy cày mới có thể đi lại.

Theo anh Phạm Văn Hanh, những năm qua, các cấp ngành trên địa bàn tỉnh, huyện đã lồng ghép nhiều nguồn vốn khác nhau kết hợp với sự đóng góp của người dân để nâng cấp hạ tầng giao thông, trường học, hội trường thôn...

"Hiện nay, thay đổi rõ nét nhất là việc nhiều tuyến đường nối thôn Đắk Kual 5 với trung tâm xã Đắk N'Drung, xã Nâm N'Jang đã được đầu tư rải nhựa, bêtông hóa, tạo thuận lợi cho người dân đi lại. Từ khi đường sá đi lại thuận lợi, việc vận chuyển phân bón, nông sản... của người dân đã trở nên hiệu quả, đời sống của người dân cũng khá giả hơn trước" - anh Hanh phấn khởi cho biết.

Chứng kiến sự đổi thay của quê hương, bà Đăng Lát Sarh - Trưởng Ban Công tác Mặt trận bon Phi Mur, xã Quảng Khê (Đắk Glong) - rất phấn khởi, tự hào. Theo bà Đăng Lát Sarh, không chỉ đời sống vật chất, đời sống văn hóa, tinh thần được nâng lên mà tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc ngày càng được củng cố.

“Thời gian qua, bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế thì địa phương cũng tập trung đẩy lùi các phong tục tập quán lạc hậu, đồng thời bảo tồn, phát huy những nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Hiện nay, bon Phi Mur đang duy trì các đội đánh cồng chiêng, hát dân ca và nhiều lễ hội truyền thống như cúng cơm mới, cúng thần lúa, cúng bến nước, cầu mưa... Đây là những nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc luôn được gìn giữ song hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương” - bà Đăng Lát Sarh cho biết thêm.

Nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa ở trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã được đầu tư nâng cấp hạ tầng. Ảnh: Phan Tuấn

Phấn đấu trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025

Trong những năm qua, tỉnh Đắk Nông đã xây dựng và đề ra nhiều mục tiêu quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng hạ tầng cơ sở... Với nhiều chính sách nêu trên, trong giai đoạn 2021-2023, công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã có những chuyển biến tích cực.
Cụ thể, kết quả rà soát tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2021 cho thấy toàn tỉnh chiếm tỉ lệ 11,19%. Trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm tỉ lệ 32,81% còn hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 27,98%.

Đến cuối năm 2022, tỉ lệ hộ nghèo chung của tỉnh còn 7,97% (giảm 3,22%). Trong đó, tỉ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ là 24,56% (giảm 8,25%) và hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số 20,11% (giảm 7,87%). Kết quả trên đã đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết về công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông đề ra.

Trong thời gian tới, tỉnh Đắk Nông đặt ra mục tiêu giảm dần khoảng cách giàu, nghèo giữa các địa phương, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới, hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu…

Cụ thể, tỉnh Đắk Nông phấn đấu bình quân hằng năm giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 3% trở lên, riêng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 5% trở lên theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025. Từ đó, tỉnh Đắk Nông hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn