MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngư dân Bình Định khai thác cá ngừ. Ảnh: D.P

Đảm bảo an toàn cho ngư dân vươn khơi bám biển

Diễm Phúc LDO | 28/12/2021 13:00
Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Bình Định đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình dịch bệnh đảm bảo an toàn cho ngư dân vươn khơi bám biển. Đồng thời tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khai thác, bảo quản để nâng cao chất lượng thủy sản sau khai thác.

Hứa hẹn được mùa

Đánh bắt thủy sản có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định, chiếm trên 95% tổng sản lượng thủy sản của tỉnh này. Toàn tỉnh Bình Định hiện có gần 6.000 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 mét trở lên đăng ký với gần 42.000 lao động tham gia hoạt động khai thác. Các nghề khai thác chính là nghề câu, lưới vây, lưới rê, mành chụp...

Gia đình ngư dân Trần Quyến (phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) có 3 tàu cá trên 800CV chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương. Năm 2021, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ khó khăn nhưng tất cả các thuyền viên tàu cá của ông Quyến vẫn luôn chấp hành đúng các quy định, đảm bảo phòng chống dịch để duy trì vươn khơi bám biển.

Những ngày cuối năm, các thuyền viên 3 tàu cá của ông Quyến chuẩn bị đồ đạc lên thuyền xuất bến vươn khơi ra ngư trường Trường Sa đánh bắt cá, mong chuyến biển cuối năm bội thu.

Ông Quyến cho biết, trước khi lên thuyền bám biển, các thuyền viên đều được kiểm tra sức khỏe, test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 và thực hiện 5K để đảm bảo an toàn.

“Vừa rồi bão vào làm cho nước đục, các rạn quậy lên cá chạy, mình ra khơi chong điện lên thì cá nó đứng, câu được mà đánh cũng nhiều. Chuyến biển này vào thắng lợi thì cái đà phát triển năm 2022 sẽ phát triển lên nữa”, ông Quyến nói.

Đảm bảo phòng dịch khi cập bờ

Ông Nguyễn Minh Khải, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá và dịch vụ đô thị thị xã Hoài Nhơn cho biết, để phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho ngư dân vươn khơi bám biển, Cảng cá Tam Quan phối hợp với các ngành kiểm tra kiểm soát chặt theo hướng tàu rời, cập cảng, các thuyền viên đều được test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2. Trong quá trình bốc dỡ thủy sản giữ khoảng cách, thực hiện 5K. Sau khi bốc dỡ thủy sản xong, toàn bộ ngư dân có hợp đồng dịch vụ với xe đưa về trạm y tế khai báo y tế.

“Xác định cảng cá là khu vực nguy cơ cao, người ra vào cảng cá là đối tượng nguy cơ cao, chúng tôi bố trí một điểm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 tại cảng. Test nhanh trước khi ngư dân xuất cảng để kịp thời phát hiện, xử lý nhanh khi các trường hợp mắc COVID-19, đảm bảo sức khỏe cho bà con đi biển”, ông Khải nói.

Ngoài cảng cá Tam Quan, Bình Định còn có 3 cảng cá khác gồm Cảng cá Quy Nhơn (TP.Quy Nhơn - huyện Tuy Phước), cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát - Phù Mỹ) và Cảng cá Nhơn Châu (TP.Quy Nhơn).

Toàn bộ các đội tàu xuất bến tại các cảng cá này đều được kiểm soát, test nhanh SARS-CoV-2 trước khi xuất bến và cập cảng để đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định, không chỉ kiểm soát tình hình dịch bệnh để duy trì hoạt động của cảng cá và tàu cá, ngành thủy sản tỉnh Bình Định cũng tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khai thác, bảo quản để nâng chất lượng thủy sản.

Trong đó, chủ tàu sử dụng thiết bị dò cá bằng sóng siêu âm, máy đo dòng chảy; sử dụng máy thu lưới, thu câu, thiết bị định vị vệ tinh… giúp chủ tàu cá giảm được công sức của người lao động; sử dụng công nghệ khai thác cá ngừ đại dương bằng công nghệ Nhật Bản; Áp dụng công nghệ bảo quản tiên tiến vào sản xuất...

“Chúng tôi tập trung đẩy mạnh việc các tàu thuyền ứng dụng các công nghệ mới trong khai thác. Đặc biệt nâng cao công nghệ bảo quản, tập trung công nghệ nano bảo quản sau khai thác. Nâng dần chất lượng thủy sản khai thác từ đó mang lại chất lượng kinh tế cao hơn”, ông Phúc nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn