MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đảm bảo nguồn nước sạch cho các vùng dân cư tập trung tại tỉnh Lâm Đồng

Mai Hương - Lê Sơn LDO | 14/09/2023 12:58

Tỉnh Lâm Đồng" nằm trong khu vực có lượng mưa lớn, có nguồn tài nguyên nước rất lớn, nhưng thời gian qua vẫn còn tình trạng thiếu nước sạch, đặc biệt ở đô thị.

Tỉ lệ hộ dân tiếp cận nguồn nước sạch vẫn còn thấp

Tại Hội thảo khoa học "Thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nước sinh hoạt tại các vùng dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng" diễn ra vào sáng ngày 14.9 tại TP Đà Lạt, ông Trần Minh Châu - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng đề cập đến hiện trạng cấp nước sinh hoạt nông thôn tại Lâm Đồng.

Theo ông Trần Minh Châu, các công trình cấp nước tự chảy hiện nay chủ yếu khai thác nguồn nước mặt từ các sông, suối tự nhiên để cấp nước tự chảy có công suất vừa và nhỏ, cấp nước cho quy mô liên xã, xã, thôn có dân số dưới 3 nghìn hộ. Các công trình cấp nước giếng khoan là các giếng khoan có công suất nhỏ, cấp nước cho quy mô thôn, bản có dân số dưới 100 hộ.

Ông Trần Minh Châu cho biết: "Tuy đã có nhiều nỗ lực nhưng tỉ lệ hộ dân nông thôn chưa được tiếp cận nguồn nước sinh hoạt đạt chất lượng nước sạch là 67,53%. Đây là tỉ lệ tương đối cao thể hiện sự mất bình đẳng và sự công bằng về sự tiếp cận nguồn nước sạch giữa thành thị và nông thôn.

Có sự chênh lệch khá lớn về tiếp cận nguồn nước sạch trong khu vực nông thôn, giữa khu vực dân cư tập trung gần thành thị hoặc trung tâm xã với khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc".

Còn theo ông Thái Văn Long - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng cho biết, tại Lâm Đồng, trong thời gian qua các ngành, các địa phương, đơn vị đã có nhiều nỗ lực đảm bảo nguồn nước sạch cho các vùng dân cư tập trung.

Tuy nhiên, qua số liệu của các ngành chức năng, tỉ lệ hộ dân được tiếp cận nguồn nước sạch vẫn còn thấp, có sự mất bình đẳng việc tiếp cận nguồn nước sạch giữa thành thị và nông thôn, giữa khu vực dân cư tập trung gần thành thị, trung tâm xã với khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc...

Hội thảo khoa học “Thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nước sinh hoạt tại các vùng dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng“. Ảnh: Mai Hương

Khai thác tiết kiệm nguồn nước ngầm

Tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Tuyến - Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm cho rằng, từ thực trạng tiềm năng nguồn nước, nhu cầu dùng nước tăng cao và tiềm năng sử dụng, khai thác nguồn nước cho thấy, với nguồn nước ngầm: tỉnh Lâm Đồng với đặc thù cao nguyên, đồi núi luôn có trữ lượng nước ngầm dồi dào, sạch, tinh khiết.

Việc sử dụng, khai thác nguồn nước ngầm cần hướng đến sự khai thác tiết kiệm. Bởi đây là nguồn nước sạch vô cùng quý giá song trữ lượng không nhiều. Nếu khai thác tràn lan dễ gây nên tình trạng ô nhiễm và sạt lở vùng đồi núi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt người dân và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quốc Tuyến cho biết, nước ngầm vùng đất cát pha sét, đất đỏ bazan đặc thù của Lâm Đồng, thường có hai dạng chính là nước ngầm tầng nông và nước ngầm tầng sâu, các giải pháp khai thác gồm: Mô hình ao, hồ trữ nước, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước để giảm mức tưới cho cây trồng; Mô hình giếng khoan khai thác nước ngầm tầng sâu trên vùng đất đỏ bazan, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước.

Ngoài ra, việc khai thác nước mặt sử dụng 2 hình thức: Tận dụng công trình đã có hoặc xây dựng mới công trình tại các khu vực thuận lợi; Xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp hệ thống kênh mương dẫn, phân phối nguồn nước cho vùng đất đỏ bazan. Hiện tại các công trình này đang phát huy hiệu quả tại các huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên.

Trong đó, ưu tiên ứng dụng công nghệ đường ống phù hợp với điều kiện kinh tế, kỹ thuật hiện nay để giảm thiểu tổn thất nguồn nước và có thể truyền tải đến các khoảng cách xa hơn, thuận lợi hơn so với kênh hở.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn