MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hành khách dùng thẻ xe buýt thông minh để thanh toán tự động trên tuyến xe buýt số 86 (Bến Thành - ĐH Tôn Đức Thắng - cầu Long Kiểng). Ảnh: Minh Quân

Dân chưa thích thẻ xe buýt thông minh

MINH QUÂN LDO | 21/03/2020 10:00

thẻ xe buýt điện tử thông minh có nhiều tiện ích, nhưng sau hơn một năm thực hiện thí điểm ở TPHCM, vẫn chưa có nhiều hành khách sử dụng loại thẻ này. 

Nhiều người làm thẻ nhưng không dùng

Hồi tháng 3.2019, Công ty CP Zion phối hợp với Công ty CP vận tải TPHCM, Công ty CP xe buýt Sài Gòn và Trung tâm Quản lý giao thông công cộng lắp đặt thiết bị thanh toán thẻ xe buýt điện tử trên 137 phương tiện của 8 tuyến xe buýt (tuyến số 86, 59, 31, 38, 72, 50, 52, 69). Ngoài ra, từ tháng 12.2019, Sở GTVT TPHCM cho phép Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) thực hiện thí điểm triển khai thẻ xe buýt thông minh công nghệ cao (thẻ ngân hàng chip EMV) trên tuyến xe buýt số 59.

Khách đi xe buýt đăng ký làm thẻ thông minh Uni Pass tại các bến xe buýt trên địa bàn TPHCM và cài ứng dụng ZaloPay trên smartphone để nạp tiền trực tiếp vào thẻ này. Khách lên xe buýt chỉ cần cầm thẻ chạm nhẹ vào đầu đọc, hệ thống sẽ tự động thanh toán tiền với giá ưu đãi 3.750 đồng/chuyến. Ngoài ra, khách có thể cài ứng dụng Uni Pass lên điện thoại. Khi thanh toán, người dùng chọn chức năng vé điện tử và đặt mã QR vào điểm đọc mã trên xe buýt. Đối với hành khách trên tuyến xe buýt 59, ngoài thẻ thông minh Uni Pass, còn được chấp nhận thanh toán vé bằng thẻ Vietbank Visa do Vietbank phát hành.

Theo Trung tâm quản lý giao thông công cộng TPHCM, đến nay đã có 3.535 thẻ vé điện tử được phát hành, nhưng chỉ có 2.146 thẻ được sử dụng. Đáng nói, một chuyến xe buýt thí điểm thẻ điện tử chỉ có khoảng 2% hành khách sử dụng thẻ, còn lại vẫn trả bằng tiền mặt. Còn Vietbank đã phát hành 811 thẻ nhưng chỉ có 271 giao dịch sử dụng xe buýt.

Nhiều hành khách là người lao động chân tay cho biết rất muốn sử dụng thẻ thông minh để đi lại cho thuận lợi, nhưng họ không có email, Viber, không biết sử dụng mã QR trên điện thoại thông minh, nên rất khó khăn trong quá trình tạo tài khoản thẻ và sử dụng thẻ này. “Tôi trước giờ leo lên xe buýt trả tiền mặt đã quen rồi, giờ phải đăng ký để dùng thẻ có chút bất tiện. Nghe đâu làm thẻ phải có email, Zalo, biết sử dụng mã QR gì đó trên điện thoại… Mấy thứ đó tui đâu có rành” - bà Nguyễn Thị Lê - (69 tuổi, quận 7) thường xuyên đi xe buýt số 86 (Bến Thành - ĐH Tôn Đức Thắng - cầu Long Kiểng) - chia sẻ.

Sẽ hiệu quả hơn khi kết nối các tuyến metro

Theo ông Nguyễn Đức Trị - Phó giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng TPHCM, việc triển khai thí điểm hệ thống thanh toán tự động trên xe buýt lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam, nên cũng còn những khó khăn nhất định về công tác lắp đặt, vận hành, liên thông hệ thống. Thói quen sử dụng tiền mặt của người dân vẫn còn, lượng hành khách sử dụng vé điện tử chủ yếu là sinh viên.

Ngoài ra, việc tích hợp giữa hệ thống thẻ Uni Pass và thẻ ngân hàng chip EMV cũng cần thời gian đồng bộ. Theo ông Trị, hiện nay, việc thí điểm hệ thống thanh toán tự động trên vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt do Công ty cổ phần Zion và Ngân hàng VietBank thực hiện bằng vốn của doanh nghiệp, không sử dụng ngân sách thành phố. Sau khi kết thúc thí điểm vào tháng 12.2020, Trung tâm sẽ báo cáo kết quả thí điểm điểm về Sở GTVT trình UBND TPHCM quyết định.

“Trong thời gian thí điểm nên hoạt động còn manh mún, nếu được áp dụng trên toàn hệ thống xe buýt và sau này tích hợp cùng với thanh toán vé các tuyến metro, hiệu quả sẽ cao hơn, người sử dụng sẽ thực sự thấy được tiện ích của thẻ này”  ông Trị - nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn