MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dân cư khu phố cổ Hà Nội vẫn chật vật với cuộc sống hiểm nguy, tạm bợ

Cúc Nhi - Đình Trường LDO | 04/04/2021 08:37

Hun hút trong những con ngõ tối đen như mực, rất nhiều hộ dân khu phố cổ đang chật vật với cuộc sống hiểm nguy, tạm bợ. Trong bối cảnh quá tải về mật độ dân số, những áp lực lớn đang đè nặng lên hệ thống cơ sở hạ tầng khu vực này.

Vào khu phố cổ, lách qua con ngõ phải nghiêng người mới có thể di chuyển, sẽ vào đến nơi mà gia đình ông Lê Dân Thắng (sinh năm 1967) đang cư trú. Hàng chục năm sống giữa thủ đô, ông Thắng ví đường vào con ngõ 94 Hàng Buồm này chẳng khác gì “hầm địa đạo”. Bởi lẽ ban ngày, nếu không dùng đèn pin, khó có thể can đảm đi sâu vào con ngõ dài khoảng 50m. Bên trong đó là cuộc sống của hơn 10 hộ dân.

Chỉ một đoạn nhỏ gõ 94 Hàng Buồm là điển hình cho cuộc sống ẩm thấp tại phố cổ. Ảnh: Lan Nhi

Theo ông Thắng, tình trạng nhiều căn nhà trong ngõ không chỉ ẩm thấp, chật hẹp mà các bức tường còn nứt nẻ, hệ thống cửa gỗ bị mục nát.

“Nói là sống ở phố cổ nhưng sống khổ lắm, bất tiện đủ đường, nhưng giờ vẫn phải chấp nhận thôi. Nhà ai cũng thấy xuống cấp, nhưng sửa thì còn nhiều vấn đề, nói chung là rất khó khăn” - ông Lê Dân Thắng cho hay.

Cùng chung tình cảnh với ông Thắng, ông Lê Thanh Duy (sinh năm 1935, ngõ 94 Hàng Buồm) - người sống lâu nhất trong khu “hầm địa đạo” này - cho biết: “Khu nhà bên trong này là nơi xuống cấp bậc nhất ở phố cổ. Các lối đi của dân chỉ chắp vá tạm bợ, gỗ hầu hết đã mục hết, tường cũng nứt ra. Dân làm việc gì cũng thấp thỏm lo âu”.

Sàn nhà là những mảnh gỗ mục nát, tồn tại rất nhiều nguy hiểm. Ảnh: Lan Nhi

Chưa hết, theo chia sẻ của ông Duy, những ngày nắng nóng, không khí ở đây vô cùng bí bách và ngột ngạt, ngày mưa thì ẩm thấp, nước cống rãnh ngập lên bốc mùi hôi thối.

This browser does not support the video element.

Căn nhà tại ngõ 94 phố Hàng Buồm xuống cấp nghiêm trọng. Video: Nhóm PV

Theo quan sát của PV, trên khắp các tuyến phố như Hàng Buồm, Hàng Lược, Ngõ Gạch, Lò Sũ, Lý Thái Tổ… không khó để tìm thấy những căn nhà có dấu hiệu xuống cấp.

Bên cạnh đó, nhiều người dân tự ý gia cố, sửa chữa, thậm chí xây thêm tầng cao để cho thuê, lắp biển quảng cáo, tận dụng mọi khoảng không để xây dựng.

Khoảng trống giữa các nhà dân trên khu vực phố cổ dần bị thu hẹp lại, điều này tiềm ấn rất nhiều rủi ro, nhất là khi tình trạng cháy nổ xảy ra.

Khu vực vệ sinh chung của nhiều hộ gia đình xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Phan Cúc

Còn bà Nguyễn Thị Hiền - cư dân tại ngõ 78 Lê Duẩn (phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm) - nói rằng, hơn 20 hộ dân sinh sống con ngõ này luôn sống trong tình trạng bất an vì khu nhà đang sống cũng đã ngót nghét cả trăm tuổi đời.

Từ tháng 5.2020, một gia đình tại khu vực này đang ngủ thì trần nhà đổ sập. May mắn thay lúc đó, gia đình ngủ dưới gác xép nên không có thương vong về người.

“Nhà của tôi chỉ rộng chưa đầy 15m2. Nhiều lần tôi tự gia cố lại bằng những mảng ốp nhưng cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Sàn nhà đã gia cố 4 lớp nhựa nhưng đi lại vẫn phập phồng. Nắng thì nóng và mưa thì dột nước” - bà Hiền chia sẻ.

Đáng sợ hơn nữa, mỗi khi có tàu hỏa chạy qua, các ngôi nhà trong ngõ bị rung lắc rất mạnh. Không ai có thể khẳng định được những công trình này có thể trụ vững được bao lâu.

Những căn nhà nơi phố cổ Hà Nội ngày càng thu hẹp khoảng cách. Ảnh: Lan Nhi

Theo TS-KTS Tô Thị Toàn - nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội, giãn dân là yêu cầu tất yếu để đảm bảo tốt nhất cho công tác bảo tồn cũng như nâng cao chất lượng sống, phát huy các giá trị truyền thống tại khu phố cổ.

Nhưng giãn dân cũng cần đi kèm với đảm bảo cho người dân giữ gìn được tập quán, sinh kế lâu dài.

This browser does not support the video element.

Dân phố cổ nói sẵn sàng di dời nếu đề án giãn dân có phương án cụ thể, hợp lý. Video: Nhóm PV

"Chúng ta phải có chính sách, chế độ động viên họ đến nơi ở mới. Nhưng họ chưa thiết tha di dời bởi chỗ mới dù điều kiện sống có khá hơn nhưng không có công ăn việc làm, không có các mối quan hệ xã hội từ làng xóm đến huyết thống. Vì lẽ đó, người làm chính sách phải lưu ý điều này trong công tác giãn dân phố cổ" - bà Tô Thị Toàn nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn