MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân mong muốn có một cây cầu bắc qua sông Hồng ở bến đò Chí Chủ hoặc bến đò Tình Cương. Ảnh: Tô Công.

Dân mạng tranh cãi về vị trí xây dựng cây cầu bắc qua sông Hồng

Tô Công LDO | 12/05/2024 14:17

Hàng nghìn người dùng mạng xã hội đưa ra các quan điểm, lựa chọn khác nhau về vị trí xây dựng cây cầu nối đôi bờ sông Hồng, đoạn qua 2 huyện Thanh Ba và Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.

Sau khi Báo Lao Động có bài viết “Công nhân Phú Thọ mong mỏi cây cầu nối đôi bờ sông Hồng”, dư luận tại tỉnh Phú Thọ, nhất là người dùng trên các trang mạng xã hội đã có nhiều quan điểm nêu sự cần thiết của một cây cầu được xây dựng bắc qua sông Hồng, kết nối 2 huyện Thanh Ba và huyện Cẩm Khê để đáp ứng nhu cầu đi lại, phát triển kinh tế - xã hội.

"Bây giờ mình vẫn phải đi gấp đôi số km về ngoại, chỉ ước có cầu đi về đỡ phải vòng lên cầu Hạ Hòa" - bạn đọc Đỗ Nguyệt Ánh bình luận.

Hơn 30km chiều dài sông Hồng chia đôi bờ huyện Cẩm Khê và huyện Thanh Ba của tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Tô Công.

Cùng với đó, từ niềm mong mỏi, nhiều người đã đưa ra quan điểm khác nhau về vị trí nên được lựa chọn để xây dựng cầu.

Theo đó, một phần người dân mong muốn cầu sẽ được xây dựng tại khu vực bến đò Chí Chủ, nối xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba và thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê; phần còn lại muốn có cầu tại bến đò Tình Cương, nối xã Thanh Hà, huyện Thanh Ba và xã Phú Lạc, huyện Cẩm Khê (2 bến đò này cách nhau khoảng 4km).

Sau 1 ngày, đã có trên 4.000 lượt bình chọn trên fanpage Facebook. Ảnh: Tô Công.

Kết quả của cuộc bình chọn trên một fanpage Facebook có tên là "Phú Thọ 24h" trong vòng 1 ngày qua cho thấy, có hơn 2.500 người mong muốn xây dựng cây cầu tại khu vực bến đò Chí Chủ, hơn 1.500 người cho rằng, cây cầu nên được bố trí ở khu vực bến đò Tình Cương.

Bạn đọc có tên Quân Tam Đảo bình luận: "Mong mỏi của đại đa số người dân không phải chiếc cầu Tình Cương, vì xây dựng cầu ở khu vực Tình Cương là không hợp lý, để cầu ở Chí Chủ sang thị trấn Cẩm Khê mới thực sự là hợp lòng dân".

Bến đò Chí Chủ phục vụ hàng nghìn lượt khách qua sông mỗi ngày. Ảnh: Tô Công.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động những ngày giữa tháng 5, tại bến đò Chí Chủ, rất đông người dân, công nhân lao động, học sinh... sử dụng đò ngang để sang sông, nhất là vào buổi sáng sớm và chiều tối.

Có thể thấy, khu vực 2 bờ sông Hồng tại đây khá đông đúc, nhất là phía bờ hữu sông thuộc địa phận thị trấn Cẩm Khê, cộng với việc sát với cụm công nghiệp thị trấn sông Thao đang có hàng nghìn công nhân làm việc, khu công nghiệp Cẩm Khê cách đó không xa cũng đang phát triển nhanh chóng... Vì vậy, bến đò Chí Chủ càng ngày càng đông người qua lại, việc nhiều người dân mong muốn xây cầu tại đây là điều dễ hiểu.

Bến đò Chí Chủ nằm sát Quốc lộ 32C và cụm công nghiệp thị trấn Sông Thao, quỹ đất khu vực này đã chật kín bởi hạ tầng giao thông và hạ tầng cụm công nghiệp. Ảnh: Tô Công.

Với bến đò Tình Cương, lưu lượng người qua sông ít hơn bến đò Chí Chủ, tuy nhiên từ nhiều năm nay, rất nhiều người dân các xã hạ huyện Cẩm Khê đã sử dụng bến đò ngang này để đi huyện Thanh Ba và thị xã Phú Thọ.

Có thể thấy, khu vực 2 bên bờ xung quanh bến đò Tình Cương có dân cư tập trung thưa thớt hơn, cách xa Quốc lộ 32C hơn bến đò Chí Chủ. Điều này có lợi hơn đối với việc xây cầu trong quá trình giải phóng mặt bằng, thiết kế và thi công... Cùng với đó, quỹ đất của các địa phương bên 2 bờ có phần "dư giả" hơn, tương lai sau khi có cầu có thể xây dựng các tuyến đường mới như đường kết nối cầu với huyện Yên Lập, đường kết nối cầu với huyện Thanh Ba và thị xã Phú Thọ...

Quỹ đất 2 bên bờ bến đò Tình Cương có phần “dư giả” hơn bến đò Chí Chủ. Ảnh: Tô Công.

Tuy nhiên, mọi giả thuyết đưa ra vẫn chưa thể được chứng minh, vì theo tìm hiểu của phóng viên, tỉnh Phú Thọ chưa ban hành văn bản, thông tin chính thức nào liên quan đến việc lập dự án xây dựng cầu tại 2 vị trí kể trên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn