MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các phương tiện cũ nát vẫn hàng ngày lưu thông trên trường. Ảnh: Thế Hoài

Dán nhãn sinh thái phương tiện giao thông: Giải pháp giảm thiểu khí ô nhiễm?

Nguyễn Hà - Tô Thế LDO | 20/01/2021 11:41

Theo các chuyên gia, nếu việc dán nhãn sinh thái các sản phẩm, phương tiện và dịch vụ giao thông vận tải thân thiện với môi trường được triển khai hiệu quả và thực chất sẽ là một giải pháp hữu ích để giảm thiểu phát sinh khí ô nhiễm.

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, trong đó giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng, ban hành tiêu chí và chứng nhận nhãn sinh thái đối với các sản phẩm, phương tiện và dịch vụ giao thông vận tải thân thiện môi trường; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, hoàn thiện theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện các quy định, chính sách pháp luật về kiểm soát ô nhiễm không khí.

Việc rất nên làm

Theo GS.TS Đặng Thị Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, việc dán nhãn sinh thái là việc rất nên làm. Hiện nay rất nhiều nơi đã thừa nhận rằng hoạt động giao thông gây ô nhiễm không khí là rất rõ ràng, ảnh hưởng tới nhiều đô thị, tuyến đường giao thông. "Việc dán nhãn sinh thái sẽ giúp, hướng các phương tiện giao thông phải áp dụng các biện pháp về cả nguyên liệu cho đến thiết bị, làm sao giảm thiểu việc phát sinh ra các khí ô nhiễm" - GS.TS Chi nói.

Theo GS.TS Đặng Thị Kim Chi, các phương tiện có thể được dán nhãn sinh thái là các phương tiện đã chuyển việc sử dụng nhiên liệu lỏng sang khí sạch; loại thứ hai là loại mà tuổi hệ thống thiết bị, khuyến khích các hệ thống thiết bị mà động cơ khi cháy hoàn hảo, để giảm thiểu các loại xe cũ, thiết bị càng cũ thì càng độc; loại thứ ba là phải chấm dứt sử dụng các thiết bị, phương tiện quá cũ, quá hạn thì không được vận hành.

Tuy nhiên, theo GS.TS Đặng Thị Kim Chi, để thực thi được điều này thì yêu cầu đến từ cả hai phía, về phía quản lý cần tìm ra các biện pháp để áp dụng việc dán nhãn sinh thái một cách hiệu quả thông qua việc kiểm soát về chất lượng xe, loại hình xe, nhiên liệu mà xe sử dụng. Phải làm sao thuận lợi chứ không gây khó khăn làm nó kéo dài, phải tìm được giải pháp tích cực để kiểm soát được việc dán nhãn sinh thái. Về phía người sử dụng giao thông cũng phải có ý thức tự giác, thậm chí phải có hình thức xử phạt cao nếu như gian dối.

GS.TS Đặng Thị Kim Chi cũng lưu ý rằng, hiện nay những người sử dụng phương tiện cũ, xe phát thải thường tập trung vào những người lao động nghèo, khi ấy ảnh hưởng đến tầng lớp cần giúp đỡ trong xã hội. Tuy nhiên đây là việc vẫn phải làm để nâng cao ý thức, đồng thời tạo điều kiện để người dân có khả năng thay thế.

Dán nhãn chỉ có thời hạn nhất định

Theo GS.TS Nguyễn Hữu Dũng - Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và công nghiệp Việt Nam, có hai hình thức dán nhãn sinh thái, thứ nhất là với những sản phẩm mới sản xuất ra, sau khi kiểm định chất lượng sản phẩm có thể dán nhãn được; thứ hai là cần kiểm soát khí thải của các phương tiện vận chuyển đang sử dụng, nếu đảm bảo được khí thải, phát thải thì có thể dán nhãn.

"Việc dán nhãn này chỉ có thời hạn nhất định, sau một thời gian phải kiểm định lại. Vì trong quá trình sử dụng sẽ có những hư hỏng hay gây ra những tác nhân mà nếu sử dụng sẽ gây nên ô nhiễm không khí" - ông Dũng cho biết.

Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và công nghiệp Việt Nam cho rằng, việc dán nhãn sinh thái này được đưa ra là cần thiết nhưng cần có lộ trình. Ông Dũng lấy dẫn chứng, trong một đô thị có thể có cả các khu dân cư khác nhau, có khu đô thị thông minh, đô thị thương mại nhưng cũng có khu vực dân cư nghèo, nhà ở xã hội. Với những khu vực này để dán nhãn sinh thái thì chưa thực hiện hiệu quả ngay được mà cần hỗ trợ nguồn ngân sách để người dân có thể thay thế các phương tiện khác được.

Còn theo PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, nếu việc dán nhãn sinh thái được thực hiện hiệu quả sẽ giúp cung cấp nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường, người tiêu dùng sẽ loại bỏ các sản phẩm, phương tiện không tốt cho sinh thái. "Để thực hiện đi vào thực chất thì cần những tiêu chí, thiết bị đo rất chuẩn, từ người đo, công nghệ đo là công nghệ nào phải minh bạch, có giám sát chéo nếu không sẽ vô nghĩa".

Bà An cũng cho rằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường nên xây dựng tiêu chí này càng sớm càng tốt, và cần có thời gian hoàn thành cùng với những tiêu chí cụ thể.

Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, về mặt lý thuyết điều này hoàn toàn là điều tốt, nhưng trước hết phải làm rõ nhãn sinh thái là gì. “Nhãn sinh thái nói một cách tổng quát nhất là một nhãn hàng được dán cho những mặt hàng thân thiện với môi trường theo nghĩa nào đó. Nếu có nhãn này dán cho các loại xe là một điều tốt, nhưng vấn đề ở chỗ ai kiểm tra, ai dán, kiểm soát nó như thế nào mới là điều quan trọng”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn