MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dân ở xã Ea Tiêu, EaKtur, Cư Kuin đã giao đất làm đường tránh Buôn Ma Thuột

BẢO TRUNG LDO | 13/06/2023 10:30

Đắk Lắk - Người lao động ở 2 xã Ea Tiêu và Ea Ktur (huyện Cư Kuin) của tỉnh Đắk Lắk đã bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư, nhà thầu tiếp tục thi công tuyến đường tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột theo đúng tiến độ đã đề ra.

Người dân chấp hành chủ trương

Ông N.S.Y (thôn 6, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: "Hộ gia đình tôi cùng với những bà con khác trong thôn đã chấp hành theo chủ trương của Nhà nước, bàn giao mặt bằng để nhà thầu thi công Dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột. Trong thôn đa phần những hộ thuộc diện bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng ở dự án chủ yếu là người Kinh.

Tuy nhiên, chúng tôi dù đã bàn giao đất nhưng vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ. Mong rằng cơ quan chức năng sớm giải quyết chế độ cho chúng tôi. Khi lực lượng chức năng thu hồi đất, bà con chấp hành nghiêm túc việc bàn giao mặt bằng theo đúng quy định".

Người lao động ở 2 xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin đã nghiêm túc bàn giao mặt bằng để thi công tuyến đường tránh Đông, TP.Buôn Ma Thuột. Ảnh: Bảo Trung

Thống kê của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (Ban A): Tính đến đầu tháng 6, tổng chi phí giải phóng mặt bằng toàn dự án là 1.566 hộ, tương ứng 725,92 tỉ đồng, tăng 331,72 tỉ đồng so với kế hoạch dự trù trước đó.

Riêng tại địa bàn huyện Cư Kuin, ở 2 xã Ea Tiêu và Ea Ktur, cơ quan chức năng đã giải phóng mặt bằng tổng cộng 11,47km, đạt 100%. Vẫn còn 31 hộ chưa nhận tiền bồi thường hỗ trợ nhưng cơ quan chức năng đã vận động bà con và đã bàn giao mặt bằng thi công xây dựng.

Đến đầu tháng 6, việc bàn giao mặt bằng đã hoàn thành 100%. Ảnh: Bảo Trung

Ông B.V.H. (thôn 5, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) nói: "Bà con tuyệt đối chấp hành chủ trương của Đảng và Nhà nước. Khi có quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án thì các hộ dân trong vùng giải phóng mặt bằng chấp nhận bàn giao đất để đảm bảo tiến độ dự án.

Chúng tôi dù chưa nhận được tiền hỗ trợ, bồi thường về đất nhưng cũng sẽ cố gắng chờ đợi, làm theo đúng quy định. Gia đình tôi có tổng cộng hơn 1.400m2 đất và đã bàn giao toàn bộ để nhà thầu thi công tuyến đường tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột".

Vẫn còn nhiều khó khăn

Lãnh đạo Ban A cho rằng, khó khăn lớn mà đơn vị đang gặp phải đó là Bộ Giao thông Vận tải đang trình Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng vốn địa phương vào dự án. Sau khi, có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ mới có thể tiến hành điều chỉnh chủ trương, điều chỉnh dự án. Đến khi đó, chi phí giải phóng mặt bằng mới giải ngân được còn lại 13,56km, giá trị khoảng 332 tỉ đồng.

Ngoài ra, tiến độ thực hiện dự án chậm 12 tháng so với kế hoạch, trong đó công tác giải phóng mặt bằng chậm triển khai kể từ khi dự án được phê duyệt 30.9.2020, đến tháng 7 năm 2021 mới bắt đầu triển khai.

Các nhà thầu thi công không đáp ứng năng lực phải cắt giảm điều chuyển khối lượng. Thủ tục điều chỉnh phần vốn địa phương chậm 5 tháng, ảnh hưởng đến bàn giao mặt bằng xây dựng.

Như Lao Động đã thông tin, Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) có tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng.

Trong đó, nguồn vốn đầu tư sử dụng 100% vốn ngân sách Trung ương với giải phóng mặt bằng là gần 400 tỉ đồng. Công trình có chiều dài khoảng 39,07km và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư.

Tháng 10.2021, UBND tỉnh Đắk Lắk có quyết định thu hồi một phần đất của Công ty Cà phê Việt Đức để giải phóng mặt bằng thi công tuyến đường Hồ Chí Minh - đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk). Phần diện tích thu hồi khoảng 18ha của 213 hộ dân (xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin) được giao nhận khoán từ phía Công ty Cà phê Việt Đức.

Tính đến đầu tháng 11.2022, đã có 177 người (với 15,6ha) hoàn thiện hồ sơ, phân chia tài sản với doanh nghiệp và nhận tiền với giá trị hơn 27 tỉ đồng.

Tuy nhiên, vẫn còn 36 người lao động ở 2 xã Ea Tiêu và Ea Ktur (với 2,4ha) chưa được xử lý. Họ cho rằng, phương án phân chia tỉ lệ ở khoản tiền bồi thường về tài sản trên đất với phía Công ty Cà phê Việt Đức không hợp lý, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn