MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đàn ông Việt sắp "nếm mùi" ế vợ nhiều mức nào, tỉnh nào nguy cơ cao nhất?

Phương Linh LDO | 10/10/2019 13:33
Bài toán "ế vợ" của hàng triệu đàn ông Việt Nam trong tương lai phải được giải quyết từ việc điều chỉnh mất cân bằng giới tính khi sinh.

Tương lai sẽ "dư thừa" nam giới, thiếu phụ nữ

Sáng 10.10, bên lề Tập huấn cung cấp nội dung truyền thông theo chủ đề về các vấn đề mới nghị quyết 21/NQ-TW cho phóng viên, Nguyễn Thị Ngọc Lan- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình nhấn mạnh về sự báo động của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Theo số liệu mới nhất năm 2018 của Tổng Cục Thống kê, tỷ lệ giới tính khi sinh là 115,1 trai/100 gái. Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh và đã ở mức độ nghiêm trọng ngày càng lan rộng.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình. Ảnh: Thảo Anh.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, tình trạng gia tăng tỷ số giới tính khi sinh dẫn tới những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế, an ninh chính trị... khi các nam nữ thanh niên bước vào độ tuổi kết hôn. Ở Việt Nam, dự báo thời điểm này sẽ bắt đầu xảy ra vào khoảng năm 2025.

"Đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 2,3-4,3 triệu phụ nữ" - bà Lan nhấn mạnh.

Hiện những tỉnh nguy cơ nhất như Sơn La là tỉnh đứng đầu về tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh với 120 trẻ trai/100 trẻ gái. Bốn tỉnh tiếp theo là Hưng Yên 118,6 trai/100 gái; Bắc Ninh 117,6 trai; Thanh Hóa 117,2; Hải Dương 116,3. Mức chuẩn sinh học bình thường là 105 trẻ nam trên 100 trẻ gái chào đời.

Sơn La là tỉnh có tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất cả nước Ảnh minh hoạ: Bộ Y tế.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình phân tích, tình trạng "dư thừa" nam giới trong độ tuổi kết hôn có thể sẽ dẫn tới tan vỡ cấu trúc gia đình, một bộ phận đàn ông phải kết hôn muộn và nhiều người không có khả năng kết hôn.

Việc gia tăng chênh lệch giới tính khi sinh không những không cải thiện được vị thế của người phụ nữ mà còn làm tăng sự bất bình đẳng giới như: nhiều phụ nữ phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ tăng cao, tình trạng bạo hành giới, mua dâm, buôn bán phụ nữ tăng, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, thậm chí có vấn đề bạo lực giới, bạo lực gia đình khi nam giới dư thừa và có những ảnh hưởng về tâm lý xã hội.

Làm gì khi mất cân bằng giới tính gia tăng?

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình đang tiếp tục triển khai đề án giảm mất cân bằng giới tính khi sinh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, với tất cả giải pháp đồng bộ.

Quan trọng nhất là truyền thông về hậu quả của bất bình đẳng giới và mất cân bằng giới tính khi sinh.

Đồng thời, phối hợp với các tỉnh để triển khai kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh. Nghiêm cấm cung cấp các tài liệu lựa chọn giới tính và cung cấp thông tin về giới tính cho các bà mẹ mang thai.

Việc cung cấp thông tin thai nhi có thể dẫn đến hậu quả phá thai để lựa chọn giới tính.

"Chúng tôi cũng đã có sự cam kết của cơ sở y tế trong việc không cung cấp giới tính thay nhi và không lựa chọn giới tính thai nhi cũng như là phá thai vì lý do lựa chọn giới tính. Ngoài ra cũng có những giải pháp truyền thông để tôn vinh giá trị của phụ nữ và trẻ em gái. Trước đây cũng có những chương trình hỗ trợ cho những gia đình sinh con 1 bề" - bà Nguyễn Thị Ngọc Lan cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn