MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn cảnh khu tái định cư số 2 (xã Cư Bông, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) khi nhìn từ trên cao. Ảnh: Bảo Trung

Dân rời khu tái định cư dự án thủy lợi Krông Pách thượng để quay về rừng

BẢO TRUNG LDO | 02/12/2023 09:29

Đắk Lắk - Chỉ sau một thời gian chuyển đến khu tái định cư số 2, từ vùng lòng hồ dự án thủy lợi hàng nghìn tỉ đồng - Krông Pách thượng (do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đầu tư xây dựng ở Đắk Lắk), nhiều hộ dân đã quay trở lại vùng rừng núi sinh sống. Một số người khác đã đi lao động thời vụ xa nhà vì... chưa có đất đai canh tác.

Bán đất khu tái định cư, dân quay về rừng

Cảnh đầu tiên chúng tôi mường tượng trong đầu khi bắt đầu khởi hành đến khu tái định cư số 2 (khu tái định cư cho người dân vùng dự án thủy lợi Krông Pách thượng, thuộc xã Cư Bông, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) là sự đông đúc, mua bán nhộn nhịp, lao động sản xuất hăng say (chủ yếu là người Mông). Tuy nhiên, sau hơn 2 tiếng vượt một quãng đường dài, đến nơi, chúng tôi phải thở dài, ngao ngán.

Sáng sớm, chợ không ai bán buôn. Ruộng lúa cũng chẳng thấy đâu. Xe múc, xe chở đất nối nhau qua lại, đường sá lầy lội cứ như vùng này vừa trải qua vài trận lụt lớn.

Cơ sở hạ tầng đang trong quá trình hoàn thiện. Ảnh: Bảo Trung

Chúng tôi tiếp cận được một phụ nữ bán quán ăn (ngay gần đoạn đường vào khu tại khu tái định cư số 2) - người này cho biết: "Tôi nhà ở cách đây 7km, vào thuê lại lô đất khoảng 1 sào từ một người di dời đến từ vùng dự án Thủy lợi Krông Pách thượng. Chủ đất không có nhu cầu định cư lâu dài, đã bỏ đi nơi khác ở. Tôi đầu tư vào đây để phục vụ công nhân lao động xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư và người dân xung quanh.

Dọn đến đây kinh doanh đã hơn 5 tháng, hai vợ chồng đã vỡ mộng vì người dân không thiết tha ở lại khu vực này, họ rao bán đất...".

Những ngôi nhà cửa đóng then cài suốt nhiều ngày qua. Ảnh: Bảo Trung

Một công nhân lao động (quê huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) đến đây để xây dựng nhà cửa cho bà con, nói rằng: "Nay ít việc, người dân xây dựng nhà cửa không còn nhiều như trước. Không ít người đã rời đi, bỏ lên vùng rừng núi gần đường Trường Sơn, thuộc địa bàn huyện M'Đrắk sinh sống theo phong tục của họ. Đất đã bốc thăm được, họ để không hoặc mua bán sang tay lại cho hàng xóm có nhu cầu, quyết không ở lại".

Qua quan sát, khu tái định cư, đất trống còn nhiều, nhà cửa xây dựng dở dang chưa có người làm.

Chưa có nơi canh tác, nhiều người tha phương cầu thực

Lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk xác nhận: Đã có 419 hộ dân di dời từ vùng dự án Thủy lợi Krông Pách thượng tới bốc thăm, nhận đất tại khu tái định cư số 2. Nhưng mới chỉ có 269 hộ dân (trên tổng số 464 hộ) dọn đến ở, số còn lại vẫn chưa định cư ổn định.

Tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng của các nhà thầu ở khu tái định cư đạt 67%, chậm so với chỉ tiêu vì thời tiết mưa nhiều ảnh hưởng lớn đến thi công.

Giữa trưa đầu tuần, trẻ em tan trường về nhà, lác đác, công nhân lao động thi công dự án nghỉ tay, hút thuốc. Nhưng tuyệt nhiên không thấy thanh niên, trai tráng, phụ nữ tuổi lao động nào, nhiều nhà cửa đóng then cài, không ai ra vào. Nhiều người đã đến các địa bàn khác của tỉnh Đắk Lắk hái cà phê, kiếm thêm thu nhập.

"Dân ở lại khu tái định cư này giờ biết làm gì mà sống, ruộng thì chưa có, con cái vẫn đang tuổi ăn tuổi lớn, tôi già cả ở nhà trông con cho hai vợ chồng đi hái cà phê thuê, kiếm thêm thu nhập" - một cụ già người Mông nói.

Ruộng lúa vẫn chưa có để cho người dân canh tác. Ảnh: Bảo Trung

Hạng mục khai hoang, xây dựng cánh đồng lúa (có giá trị hơn 17 tỉ đồng) ở khu tái định cư số 2 mới bàn giao mặt bằng được gần 30 ha (tổng 248 ha) mặt bằng để triển khai thi công. Hai nhà thầu là Công ty TNHH Phúc Cường và Công ty TNHH XD Quý Hoàng nhận gói thầu này chỉ mới hoàn thành được được 6% khối lượng công việc được giao. Tức sau hơn 2 năm triển khai thi công, đến nay, ruộng trồng lúa vẫn chưa có cho người dân.

Chính vì việc chậm hoàn thành, bàn giao đất canh tác là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến bà con khu vực này phải đi lao động thời vụ ở vùng khác. Hoặc số khác đã "bỏ đất", rao bán...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn