MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dân sống khổ vì bùn dự án: Doanh nghiệp xử lý bùn, người dân lại phản ứng

Hoài Luân LDO | 16/01/2024 16:43

Liên quan đến tình trạng hàng chục hộ dân ở TP Quy Nhơn (Bình Định) sống khổ vì bùn dự án, đến nay, doanh nghiệp đã tiến hành xử lý khắc phục bùn bồi lắng. Tuy nhiên, nhiều hộ dân đã phản ứng, không cho tiếp tục nạo vét vì sợ sạt lở.

Ghe, tàu hết mắc cạn vì bùn

Sau loạt bài phản ánh của Báo Lao Động về tình trạng hàng chục hộ dân tại khu vực 4, phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn) sống khổ vì bị bùn dự án "tấn công", lãnh đạo tỉnh Bình Định đã yêu cầu Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn và Công ty TNHH Phú Gia Riverside gấp rút nạo vét lượng bùn bồi lắng, để giảm thiểu tác động đến cuộc sống của người dân và trục thoát lũ, thời hạn hoàn thành chậm nhất ngày 15.1.2024.

Đến ngày 15.1, bùn trên sông Hà Thanh cơ bản đã được nạo vét.

Theo ghi nhận Lao Động trong chiều 15.1, các vị trí bị bùn bồi lắng trước đây như Đập tràn Quy Nhơn 3 và xung quanh khu vực dân cư cơ bản đã được nạo vét. Một số đoạn dọc 2 bên bờ sông Hà Thanh vẫn còn bị bùn bồi lắng, chưa được xử lý triệt để.

Ông Lê Quan Tân (70 tuổi, trú khu vực 4, phường Nhơn Bình) chia sẻ, hiện tại ghe, tàu cỡ nhỏ của bà con đã di chuyển qua lại được, không còn xảy ra tình trạng "tàu mắc cạn" vì bùn như trước đây, nên người dân rất phấn khởi.

Đập tràn Quy Nhơn 3 không còn tình trạng bùn bồi lắng.

"Bây giờ luồng lạch trên sông đã thông thoáng, ghe tàu của bà con ở đây đi lại được. Biết là không thể nào trả lại môi trường như trước đây được, nhưng khắc phục thế này, tôi thấy cũng tạm ổn rồi", ông Tân nói.

Là hộ hay bị ngập mỗi khi nước dâng, bà Nguyễn Thị Loan (51 tuổi) như trút bỏ được bức bối trong lòng khi bùn sình xung quanh nhà, trên sông được nạo vét, khơi thông.

Bờ sông vẫn còn bùn bồi lắng.

"Nhà tôi giờ không còn bị ngập như trước nữa, thi thoảng nước có vào sân vườn nhưng rút nhanh, không bị đọng nước. Bùn trên sông đã được nạo vét tương đối, nhưng gần bờ vẫn còn rất nhiều bùn. Người dân ở đây muốn được nạo sạch bùn xung quanh bờ để tiện ra vào mưu sinh", bà Loan nói.

Dừng việc rà soát bồi thường

Làm việc với Lao Động, bà Hà Thị Thanh Hương - Phó Giám đốc Sở TNMT Bình Định cho biết, sáng 15.1, lãnh đạo Sở đã đến kiểm tra tiến độ nạo vét bùn bồi lắng, hiện 2 doanh nghiệp đã xử lý khắc phục khoảng 90% lượng bùn. Tuy nhiên, đến giai đoạn xử lý 2 bên bờ sông đã phát sinh vấn đề nên doanh nghiệp chưa thể khắc phục xong.

Bùn đất vẫn bủa vây Đập tràn Quy Nhơn 3 và người dân khu vực (ảnh chụp 8.12.2023). Ảnh: Hoài Luân

"Người dân khu vực đang có hai luồng ý kiến trái chiều, người thì muốn nạo vét sát bờ, người thì sợ xảy tình trạng sạt lở do bơm hút bùn nên không đồng ý để doanh nghiệp tiếp tục nạo vét vị trí gần bờ. Hiện Sở đã giao lại cho phường Nhơn Bình tổ chức họp dân để thống nhất ý kiến.

Sau khi thống nhất được ý người dân, doanh nghiệp sẽ tiếp tục nạo vét phần còn lại. Hoặc sẽ giải quyết theo yêu cầu của từng hộ để tránh khiếu nại", bà Hương thông tin.

Về công tác hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng, bà Hương cho biết, chính quyền địa phương phường Nhơn Bình khẳng định đã bố trí kinh phí hỗ trợ cho các hộ bị ảnh hưởng bởi dự án, nên Sở sẽ dừng việc tiến hành rà soát thiệt hại cũng như bồi thường.

Như Báo Lao Động đã phản ánh, những ngày cuối tháng 11.2023, hàng chục hộ dân sống tại khu vực 4, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn (Bình Định) có đơn cầu cứu cơ quan báo chí về việc cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Dự án Đầu tư xây dựng nâng cấp bến số 1 – cảng Quy Nhơn do Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn làm chủ dự án (Cảng Quy Nhơn).

Theo trình bày của người dân, đầu năm 2023, Cảng Quy Nhơn đã dùng sà lan, hệ thống máy móc để hút đất, cát, nạo vét tại khu vực sông Hà Thanh, đoạn chảy qua đầm Thị Nại để thực hiện dự án.

Đến nay, sản phẩm nạo vét (bùn, đất, cát…) của Cảng Quy Nhơn được bơm đến khu vực thuộc Dự án Khu đô thị mới Khu vực Chợ Góc (CG-01) do Công ty TNHH Phú Gia Riverside làm chủ đầu tư. Sau đó, bùn non được xả ngược ra Đập tràn Quy Nhơn 3 (bờ tràn được thiết kế thoát nước mùa mưa lũ), khiến việc đi lại của bà con gặp khó khăn, cản trở quá trình thoát nước, đe dọa tính mạng người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn