MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vườn bưởi da xanh của người dân tại huyện Con Cuông, Nghệ An. Ảnh: Hồng Sơn

Dân vận khéo tạo động lực để người dân thoát nghèo, vươn lên

Vĩnh Hoàng LDO | 13/12/2023 22:26

Xuất phát từ mong muốn đem lại cho người dân một cuộc sống no đủ, huyện Con Cuông (tỉnh Nghệ An) đã tích cực triển khai hiệu quả nhiều mô hình dân vận khéo trong lĩnh vực kinh tế, từ đó tạo động lực để người dân thoát nghèo bền vững.

Bên vườn chè xanh mướt rộng hơn 5.500 m2 hiện đang trồng xen 200 gốc bưởi các loại, chị Đinh Thị Đào - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Bồng Khê cho biết, từ năm 1995, gia đình chị đã gắn bó với cây chè. Tuy nhiên, nó chưa thực sự mang lại hiệu quả cao.

"Cho đến năm 2015, khi được các chuyên gia kỹ thuật chia sẻ về những lợi ích mang lại từ việc trồng xen bưởi trên vườn chè, chị đã mạnh dạn trao đổi với con trai là sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp liên hệ với Trung tâm giống cây trồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam lựa chọn những giống bưởi tốt nhất về canh tác", chị Đào nói.

Thời điểm đó, khá nhiều người e ngại với quyết định này. Nhưng rồi, bằng kiến thức thực tiễn và tinh thần mạnh dạn trong áp dụng những tiến bộ trong khoa học kỹ thuật, gia đình chị Đào đã quyết tâm thực hiện.

Thực tế cho thấy, bưởi và chè kết hợp trồng xen canh có nhiều thuận lợi, giảm chi phí phân bón và nước tưới. Bên cạnh đó, cây bưởi còn tạo độ ẩm, độ tơi xốp, giảm các loài sâu bệnh cho cây chè phát triển. Nhờ thế, mỗi năm từ mô hình trên đã cho thu hoạch hơn 3 tấn chè búp tươi và hơn 20 tấn bưởi. Trừ chi phí mang về lợi nhuận trên dưới 100 triệu đồng cho gia đình.

Sau thành công của bản thân, trên cương vị là một cán bộ mặt trận, chị Đinh Thị Đào đã vận động, lan tỏa mô hình kinh tế này tới nhiều người dân trong vùng. Cùng với đó, chị đã tích cực tìm hiểu những kỹ thuật chăn nuôi mới để đồng hành với bà con trong xây dựng mô hình kinh tế hộ.

Đơn cử như gia đình anh Nguyễn Thanh Tuấn (41 tuổi, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông) với xuất phát điểm là hộ nghèo. Vậy nhưng, dưới sự động viên, hỗ trợ và đồng hành từ nguồn vốn đến kỹ thuật của chị Đào và Mặt trận xã, anh đã từng bước xây dựng thành công mô hình kinh tế chăn nuôi kết hợp trồng trọt.

Những năm gần đây, mô hình đã mang về thu nhập khá, trở thành một mô hình dân vận khéo thành công của địa phương. Ngoài mô hình này, toàn xã Bồng Khê đã có hàng chục mô hình dân vận khéo được huyện công nhận trong thời gian qua.

Theo Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Con Cuông Vi Văn Bạch, trên thực tế đã có nhiều cán bộ, đảng viên luôn giữ đúng phương châm lời nói đi đôi với việc làm, trực tiếp xây dựng nhiều mô hình thành công để tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực và truyền nhiệt huyết cho người dân cùng thực hiện.

Nhờ vậy, trên lĩnh vực phát triển kinh tế, phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục được đẩy mạnh; có 81 mô hình được đăng ký xây dựng. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” bước đầu có hiệu quả tiếp tục được duy trì và phát triển, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn