MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà kính vây kín thành phố Đà Lạt. Ảnh: PV

Dần xóa nhà kính: Trả lại mảng xanh cho đô thị Đà Lạt

HỒNG SƠN LDO | 27/11/2019 11:00
Sử dụng nhà kính để canh tác nông nghiệp gần như là điều tất yếu của nông dân TP.Đà Lạt và vùng phụ cận. Nhưng bên cạnh hiệu quả kinh tế, tác động tiêu cực đến môi trường và cảnh quan của thành phố du lịch đã bộc lộ đến mức báo động. Tìm giải pháp nào để vừa phát triển kinh tế ngành nông nghiệp công nghệ cao, vừa đảm bảo môi trường và cảnh quan đang là bài toán khó...

Có nên sản xuất nông nghiệp trong nhà kính?

Hiện Lâm Đồng có hơn 2.800ha nhà kính sản xuất nông nghiệp, nhiều nhất cả nước. Nhưng tốc độ phát triển vẫn đang theo cấp số nhân. Tác động nhà kính làm thay đổi môi trường đã thể hiện rất rõ qua những trận lũ quét bất thường, những mùa hè nhiệt độ tăng cao chưa từng có ở thành phố sương mù này.

Tuy nhiên, bài toán phát triển kinh tế vẫn là vấn đề mấu chốt khi nông dân lựa chọn phương pháp canh tác này. Anh Xuân Chinh - một nông dân ở phường 8, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng - nói: Bây giờ làm ngoài trời sao được. Năng suất thấp, sâu bệnh hại nhiều. Bảo vệ môi trường là điều tốt thôi nhưng cũng tùy suy nghĩ, điều kiện kinh tế của mỗi người.

Rõ ràng lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường đang mâu thuẫn. Có nhất thiết phải sử dụng nhà kính trong sản xuất nông nghiệp hay không khi Đà Lạt - Lâm Đồng là nơi có khí hậu thuận tiện canh tác nông nghiệp theo kiểu truyền thống? Đây là câu hỏi được các nhà khoa học, giới chuyên môn ngành nông nghiệp đặt ra thời gian gần đây. Nhiều diễn đàn, hội thảo đã liên tục được tổ chức, mổ xẻ tính thiệt hơn và tìm giải pháp cấp bách. Gia tăng giá trị kinh tế nông nghiệp từ nhà kính cũng đồng nghĩa việc những mảnh xanh và nét thơ mộng vốn có của một thành phố lấy du lịch sẽ dần mất đi.

PGS-TS Nguyễn Mộng Sinh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt - cho rằng, việc canh tác trong nhà kính đã làm cho chi phí đầu tư nông nghiệp tăng cao. Cây trồng bị trói buộc trong nhà kính, không tiếp xúc với điều kiện thiên nhiên khiến suy giảm khả năng kháng bệnh, phải sống phụ thuộc hoàn toàn vào phân, thuốc và vùng tiểu khí hậu trong nhà kính. Thực tế này đã được trả lời bởi tình trạng xuất hiện nhiều dịch bệnh lạ trên diện rộng, không thể phòng ngừa, không có thuốc đặc trị càng trầm trọng.

Việc đánh đổi giữa môi trường và phát triển kinh tế vẫn là một bài toán khó đối với nông dân cũng như các nhà đầu tư nông nghiệp. Tuy vậy, anh Nguyễn Thanh Tân (ở phường 8, TP.Đà Lạt) đã chọn cách trở lại phương pháp canh tác của các nhà vườn Đà Lạt những thập kỷ trước. Anh Tân chia sẻ: Tôi tháo dỡ nhà kính và được nhiều người ủng hộ. Rau củ trong vườn của tôi có nhiều người hỏi mua, tôi vui vì điều đó, dẫu lựa chọn nào cũng có cái giá của nó, nhưng quan trọng là phát triển bền vững.

Tháo dỡ hàn nghìn mét vuông nhà kính có giá trị hàng tỉ đồng để trở lại canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đó không phải là lựa chọn dễ dàng khi thu nhập bị giảm sút đáng kể. Nhưng đổi lại khi đến khu vườn của anh Tân, người ta có thể cảm nhận ngay không gian, mùi hương của hoa cỏ, của những rau củ.

Đảm bảo lợi ích kinh tế lẫn môi trường

Những người mạnh dạn tháo dỡ nhà kính như anh Tân ở Đà Lạt có thể rất hiếm, nhưng ở đây ít nhất cũng là một mô hình canh tác mà khi nhìn vào đó sẽ tiếp thêm động lực cho những người nông dân đang phân vân khi chuyển hướng tới cách canh tác an toàn, thân thiện với môi trường.

Chính quyền Lâm Đồng cũng vào cuộc với những giải pháp thiết thực. Tiến sĩ Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - cho rằng, cần sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhưng theo quy mô từng loại cây trồng, theo tiểu vùng sinh thái. Ông đưa ra giải pháp, bổ sung khoảng 20% cây xanh trong tổng diện tích vùng canh tác nhà kính nhằm đảm bảo cảnh quan, mỹ quan và môi trường. Chỉ phát triển nhà kính đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật được thiết kế phù hợp, có xem xét tính thẩm mỹ và tính chịu lực cao; tăng cường liên kết sản xuất để doanh nghiệp làm hạt nhân tổ chức sản xuất quy chuẩn đồng bộ. Tùy theo loại cây trồng, các cây không mẫn cảm với thời tiết nhiều thì không nhất thiết đều đưa vào trồng trong nhà kính. Kiên quyết và thực hiện nghiêm công tác quản lý bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, cần có các cơ chế vay vốn tín dụng để các doanh nghiệp và nông dân có điều kiện đầu tư nhà kính đúng chuẩn. Cần có chiến lược dài hạn để Đà Lạt giảm dần và tiến đến không còn nhà kính theo từng khu vực phường trung tâm. Thu hút các nhà đầu tư chiến lược có năng lực tài chính, có kinh nghiệm phát triển mô hình làng đô thị xanh để triển khai các dự án chỉnh trang đô thị phù hợp. Từ đó, định hướng chuyển đổi việc làm cho nông dân TP.Đà Lạt chuyển dần theo hướng nông nghiệp dịch vụ như: Du lịch canh nông, phát triển cây cảnh đặc hữu, nghiên cứu chọn tạo giống, sản xuất giống cây trồng chất lượng cao phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, phát triển dược liệu phục vụ các dự án y tế trong tương lai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn