MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đăng ảnh học sinh lên TikTok: Hành động phản ánh nhận thức của giáo viên

KHÁNH AN LDO | 13/04/2023 06:09

Nhiều nhà quản lý giáo dục nhận định, hành động “vô tư” đăng tải hình ảnh và thông tin cá nhân của học sinh lên mạng xã hội TikTok phản ánh nhận thức của giáo viên. 

Như Lao Động đã phản ánh, hiện nay, nhiều giáo viên thường xuyên đăng tải hình ảnh học sinh lên mạng xã hội TikTok. Những video này thu hút từ vài trăm nghìn đến hàng triệu lượt xem và hàng nghìn lượt bình luận. 

Dù học sinh cố gắng che mặt, không muốn xuất hiện trong video, thế nhưng một số giáo viên vẫn cố gắng quay bằng được khuôn mặt của học sinh để thỏa mãn đam mê làm TikToker của mình.

Một số thầy cô giáo khác thì rủ học sinh nhảy nhót, công khai danh tính, gia cảnh của gia đình học sinh.

Cũng trên TikTok, hàng chục giáo viên quay video thể hiện quyền lực của bản thân.

Những video này đều có một kịch bản giống nhau là các giáo viên khiến tất cả học sinh im lặng chỉ sau một cái lườm hoặc một tiếng gõ thước.  

  Nhiều giáo viên "vô tư" đăng tải hình ảnh học sinh lên TikTok. Ảnh: Khánh An

Cô Nguyễn Thị Kim Ngọc - Hiệu trưởng trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân, Hà Nội) - cho biết, dịp đầu năm học, nhà trường luôn phổ biến quy chế đến tất cả giáo viên về việc sử dụng mạng xã hội. Nhà trường cũng liên tục nhắc nhở các giáo viên không đăng tải hình ảnh, thông tin của các học sinh, phụ huynh lên mạng xã hội.  

“Những hành động đăng tải thông tin của các em học sinh, thông tin nghề nghiệp của bố mẹ các em mà chưa được sự cho phép cần phải được yêu cầu gỡ xuống ngay và tiến hành nhắc nhở giáo viên. Những hành động này cũng phản ánh về nhận thức của chính các giáo viên” - cô Ngọc nhận định. 

Còn theo cô Nguyễn Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), trước khi đăng tải hình ảnh học sinh lên mạng xã hội, giáo viên cần nhận được sự đồng ý từ phụ huynh và từ chính các em học sinh. 

“Nhiều phụ huynh học sinh không thể chứng kiến tất cả hoạt động tại trường của con, vậy nên, khi nhận được hình ảnh, clip họ đều rất thích. Với những hoạt động có tính chất tích cực thì việc quay chụp cũng giúp tuyên truyền tính nhân văn, lành mạnh. Thế nhưng, trước khi đăng tải lên bất kì nền tảng nào, giáo viên trường chúng tôi đều xin ý kiến từ phụ huynh” - nữ hiệu trưởng cho hay. 

Tại Trường Tiểu học Yên Hòa, các giáo viên thường xuyên được tham gia tập huấn, hướng dẫn để hiểu rõ về quyền trẻ em. 

Tại Nghệ An, ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) - cho biết, ngành Giáo dục đã có những buổi tập huấn và ban hành những văn bản quy định, quy chế yêu cầu các trường, giáo viên không đăng tải các thông tin cá nhân của học sinh lên mạng xã hội.

“Chúng tôi khuyến cáo giáo viên không đưa các hình ảnh của học sinh khi chưa được sự đồng ý của phụ huynh lên mạng xã hội vì điều đó có thể ảnh hưởng tâm lý của học sinh.

Đồng thời, sở quán triệt rất nghiêm túc đến từng phòng giáo dục nên đến thời điểm này chưa ghi nhận trường hợp nào phản ánh về việc đưa hình ảnh cá nhân của các em học sinh lên các mạng xã hội” - ông Hoàn nói.

Chánh Văn phòng Sở GDĐT tỉnh Nghệ An cũng cho hay, đã quán triệt các trường chỉ đưa các thông tin, hình ảnh nhân văn, các hoạt động giáo dục có tính tuyên truyền tích cực lên các trang thông tin của mỗi trường (ngoài cổng thông tin điện tử của trường). Hiệu trưởng mỗi trường có trách nhiệm giám sát, kiểm tra, chịu trách nhiệm với những thông tin đăng tải trên các trang đó. 

Theo ông Phùng Quốc Lập - Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Phú Thọ, sở đã có quy chế quán triệt vấn đề này cũng như thực hiện công tác tuyên truyền đến các giáo viên về việc sử dụng mạng xã hội. 

“Các giáo viên đều có cam kết với nhà trường và các hiệu trưởng cam kết với sở về vấn đề bảo mật thông tin về cá nhân và gia đình, hình ảnh của học sinh trên các nền tảng mạng xã hội” - ông Lập cho biết. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn