MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các lái xe ôtô có thể dễ dàng quay chỉnh chỉ số trên đồng hồ công tơ mét. Ảnh GT

Đăng kiểm theo kilomet: Lợi bất cập hại

Minh Hạnh LDO | 24/08/2021 19:11
Trước một số ý kiến cho rằng, để tránh mất thời gian và tiền bạc cho chủ phương tiện, nên quy định việc đăng kiểm theo quãng đường (kilomet) thay vì đăng kiểm theo mốc thời gian cố định như hiện nay. Một số nhà quản lý cho rằng, việc này rối và phức tạp.

Theo ông Nguyễn Minh Hải - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-03S (Hà Nội), quan điểm đánh giá tình trạng phương tiện theo chỉ số kilomet là không toàn diện vì trên thực tế, có rất nhiều chi tiết cấu thành của phương tiện sẽ hư hỏng theo thời gian, không phải do số kilomet vận hành.

Một phương tiện chạy nhiều kilomet nhưng được sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ đầy đủ và vận hành theo đúng các khuyến cáo của nhà sản xuất sẽ có tình trạng kỹ thuật ổn định hơn các phương tiện vận hành ít nhưng không được bảo dưỡng, sửa chữa đúng cách và sử dụng không theo khuyến cáo.

Ông Nguyễn Minh Hải cũng nhấn mạnh, cần làm rõ là không phải đơn vị đăng kiểm sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về vấn đề an toàn của phương tiện. Các đơn vị đăng kiểm chỉ hỗ trợ, dự báo khả năng về an toàn vì giữa 2 kỳ đăng kiểm vẫn có thể xuất hiện sự cố. Do đó, chủ xe phải là người chịu trách nhiệm trực tiếp về an toàn của phương tiện, như lốp, phanh, khí thải.

Theo đó, thay vì đăng kiểm theo số kilomet, giải pháp thực tế hơn là kéo dài thời gian giữa 2 kỳ đăng kiểm. Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho hay, hiện Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Chính phủ để sửa đổi Thông tư  70/2015/TT-BGTV và ban hành Thông tư 16/2021 về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Theo đó, sẽ nâng thời hạn đăng kiểm từ 6 tháng lên 12 tháng và xe mới sẽ có thời hạn đăng kiểm lần đầu là từ 18 đến 24 tháng. Do đó, để tránh các văn bản chồng chéo và có thể gây khó khăn cho người dân, thời điểm này cần tuân thủ theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành và không nên tính đến việc đăng kiểm theo quãng đưỡng.

“Cục đăng kiểm đã đưa ra chu kỳ kiểm định phương tiện là đã có có tính toán rất kỹ về chỉ số xe hoạt động, chỉ số khí thải môi trường, địa hình cung đường. Khi có những điểm không phù hợp, Bộ Giao thông Vận tải đã tiếp thu và có điều chỉnh lại thông tư” - ông Hùng cho hay.

TS Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia - cho rằng, nếu đăng kiểm theo kilomet, việc kiểm tra đồng hồ công tơ mét là rất khó khả thi và lực lượng chức năng cũng không thể kiểm soát được.

Đáng lo ngại hơn là lái xe hoàn toàn có thể dễ dàng quay chỉnh lại đồng hồ công tơ mét nhằm tránh đăng kiểm và điều này rất nguy hiểm, gây nguy cơ mất an toàn giao thông.

Thực tế các nước trên thế giới hiện cũng không dùng quãng đường để kiểm soát đăng kiểm. Nhiều người hình dung việc kiểm soát theo con số kilomet sẽ dễ dàng kiểm soát được về độ hao mòn về kỹ thuật nhưng trên thực tế rất khó kiểm soát, vì có nhiều thủ thuật để tác động vào đồng hồ.

Đề xuất đăng kiểm theo số kilomet do đó chỉ thực hiện được về mặt lý thuyết còn thực tế không thể quản lý được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn