MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đăng kiểm theo quãng đường được nhìn nhận là phức tạp, không sát với thực tế. Ảnh: GT

Đăng kiểm theo quãng đường phức tạp, không sát với thực tế

Minh Hạnh LDO | 24/08/2021 16:08

Trước ý kiến cần thay đổi phương thức đăng kiểm từ thời gian sang quãng đường (kilomet), nhiều ý kiến rằng, về góc độ kỹ thuật là hợp lý nhưng khó thực hiện vì nó không sát với thực tế.

Trao đổi với PV Lao Động, TS Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia - cho rằng, về góc độ kỹ thuật, ý kiến đề xuất thay đổi chu kỳ đăng kiểm về mặt thời gian sang kilomet (quãng đường xe chạy) là rất hay. Vì theo nguyên tắc, nếu xe chạy nhiều sẽ hao mòn và thiết bị hỏng sẽ tăng lên, do đó sẽ góp phần vào nâng cao an toàn cho phương tiện lưu thông.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều bất cập khiến đề xuất này khó khả thi. Đó là đối với ôtô hiện nay, nhất là với xe không kinh doanh vận tải vẫn chưa thể quản lý được quãng đường di chuyển. Với ôtô cá nhân, việc xe đi nhiều hay ít hầu như chỉ dựa trên chỉ số hiển thị trên công tơ mét.

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam - ông Nguyễn Văn Thanh - cho rằng, kiểm soát kilomet rất phức tạp vì nếu chủ xe không có ý thức sẽ cài lại, đòi hỏi phải niêm phong, và các biện pháp giám sát đồng hồ. Chưa kể, lực lượng chức năng cũng rất khó kiểm soát, do đó cần đơn giản như hiện nay.

Liên quan đến vấn đề đồng hồ công tơ mét, ông Nguyễn Mạnh Điển - một chủ gara trên phố Linh Đường (Hà Nội) - cho biết, việc tua lại đồng hồ công tơ mét rất đơn giản, vì hiện có những máy chuyên dụng có thể can thiệp vào hộp đen của đồng hồ. Vì vậy, nếu kiểm soát và đăng kiểm theo số kilomet trên đồng hồ công tơ mét, cơ quan chức năng phải có niêm phong kẹp chì như đồng hồ tính tiền của xe taxi. Nhưng khi kiểm tra cũng mất nhiều thời gian.

Thay vì đăng kiểm theo quãng đưỡng, TS Khương Kim Tạo cho rằng, hiện chất lượng phương tiện đã tốt, máy móc kiểm tra thiết bị hiện đại và trình độ các đăng kiểm viên đã được nâng cao, do đó, nên kéo dài thêm thời gian giữa 2 kỳ đăng kiểm để tránh tốn kém cho chủ phương tiện.

Việc đăng kiểm theo thời gian định kỳ còn phù hợp với thực tế rằng chất lượng phương tiện của các hãng xe rất khác nhau. Như xe của Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc  sản xuất có chất lượng khác nhau nên trong cùng 1 chu kỳ đăng kiểm, có xe đã xuống cấp phải thay thế phụ tùng nhưng có xe không phải thay thế phụ tùng.

Từ kinh nghiệm thực tế, ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội - hoa hay, việc đăng kiểm theo quãng đường (kilomet) sẽ rất phức tạp, vì mỗi loại hình phương tiện có đặc thù hoạt động khác nhau. Đặc biệt là với các phương tiện vận tải kinh doanh hoạt động theo mùa vụ.

Khi xây dựng các quy trình, quy định, quy chuẩn về kiểm định phương tiện, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tham khảo các bộ quy định, quy chuẩn của quốc tế. Do vậy, việc thực hiện kiểm định với chu kỳ kiểm định như đang áp dụng hiện nay là vẫn phù hợp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn