MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê đã tạm dừng nhiều năm. Ảnh: Tiền Phong

Đang quy hoạch “treo” vẫn chạy đua xây dựng nông thôn mới

TRẦN TUẤN LDO | 03/09/2018 15:16

Đang phải sống “treo” suốt gần 10 năm nay do nằm trong diện phải di dời, tái định cư (TĐC) vì ảnh hưởng của mỏ sắt Thạch Khê (Thạch Hà, Hà Tĩnh), thế nhưng 6 xã vùng mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á này vẫn phải chạy đua xây dựng nông thôn mới (NTM), dù đến nay vẫn chưa có quyết định có dừng khai thác mỏ hay không. Nếu tới đây có quyết định vẫn tiếp tục cho khai thác thì rõ ràng sẽ lãng phí hàng loạt công trình đã đầu tư vì “thành tích” NTM.

Sống khổ vì quy hoạch “treo”

Như Báo Lao Động đã có nhiều bài phản ánh, do ảnh hưởng của dự án mỏ sắt Thạch Khê đình trệ, dừng khai thác chỉ sau vài năm khởi công bóc đất tầng phủ (2009) khiến cuộc sống của người dân 6 xã vùng ảnh hưởng vô cùng khổ sở trong vùng quy hoạch “treo”. Đó là các xã: Thạch Khê, Thạch Đỉnh, Thạch Hải, Thạch Bàn, Thạch Trị và Thạch Lạc.

Trong đó, rõ nhất là việc nhiều hộ gia đình có con xây dựng gia đình, cần được cấp đất để ra ở riêng nhưng không được phép cấp đất khiến 3-4 thế hệ sống chung trong một nhà rất phức tạp. Tình trạng tụt mạch nước ngầm do bóc đất tầng phủ khiến canh tác gặp khó khăn, hiện tượng sa mạc hóa, thiếu nước sinh hoạt, giếng nhiễm phèn, tình trạng “cát bay, cát nhảy” từ bãi thải xâm lấn ruộng vườn. Đặc biệt là đến nay vẫn chưa bồi thường hết cho dân.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Thạch Đỉnh, đến nay xã còn 5ha đất canh tác và hơn 600 ngôi mộ phải di dời đã kiểm đếm mà vẫn chưa nhận được tiền bồi thường. 72 hộ dân về TĐC phải sống trong khổ sở vì thiếu nước sinh hoạt, thiếu đất canh tác...

Tại xã Thạch Hải, ông Nguyễn Hải Lý - Chủ tịch xã - cũng than phiền, là xã nằm trong quy hoạch “treo” của mỏ sắt Thạch Khê nên tình hình đời sống của người dân rất khó khăn. Lứa tuổi lao động thì chủ yếu đã đi XKLĐ, tha hương cầu thực.

Áp lực vì phải chạy đua xây dựng NTM

Theo ông Nguyễn Hải Lý - Chủ tịch UBND xã Thạch Hải, theo lộ trình đã phê duyệt ảnh hưởng mỏ sắt Thạch Khê, đến năm 2020 xã phải di dời 2 thôn, đến 2027 di dời toàn xã đến khu TĐC. Đến thời điểm này, vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc có dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê hay không. Thế nhưng, nhiệm vụ xây dựng NTM thì vẫn phải triển khai.

Theo kế hoạch, hết năm 2018 này huyện không còn xã dưới 12 tiêu chí nên hiện xã đang phải “gồng mình” để đạt 12 tiêu chí theo chỉ đạo của trên. Trong khi đó, đời sống của nhân dân rất khó khăn vì ảnh hưởng quy hoạch “treo” nên khi xây dựng NTM, việc huy động đóng góp của nhân dân là vô cùng khó khăn.

Theo ông Hải, lộ trình đến năm 2020 xã Thạch Hải về đích NTM, nhưng nhiệm vụ này là hết sức nặng nề. Khó nhất là tiêu chí giao thông, tiếp đó là tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu bởi mạch nước ngầm tụt nên vườn của dân gần như thành sa mạc hóa, rất khó để canh tác thành vườn mẫu.

“Tình hình này, xã rất khó về đích vì hiện không có nguồn thu gì. Trong khi các xã khác có nguồn bán đất hàng chục tỉ đồng. Còn xã vướng quy hoạch “treo”, không được bán đất” - ông Lý phân trần.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Thạch Đỉnh - cũng than phiền do bị vướng quy hoạch “treo” nên đời sống nhân dân rất khó khăn, cùng với việc không được bán đất, nên xã rất khó khăn trong việc tìm nguồn để xây dựng NTM. Hiện xã mới đạt 10 tiêu chí về NTM.

“Xã chúng tôi rất khó về đích NTM vì tiêu chí thủy lợi là bất khả kháng, chỉ hoàn toàn dựa vào tự nhiên. Tiêu chí thôn kiểu mẫu cũng rất khó” - ông Hùng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn