MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tòa chung cư mini nằm sâu trong hẻm 29/70 Khương Hạ (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) xây vượt quá giấy phép. Ảnh: Hải Nguyễn

Đằng sau mỗi chung cư mini xây vượt tầng là một thế lực lớn "chống lưng"

KHÁNH AN LDO | 18/09/2023 16:33

Nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, đằng sau mỗi công trình, chung cư mini xây vượt tầng so với giấy phép là cả một thế lực lớn "chống lưng".

Đề xuất Hà Nội được quyết định mức xử vi phạm trật tự xây dựng gấp 50 lần

Ngày 18.9, nguyên lãnh đạo thành phố Hà Nội qua các thời kỳ đã tham gia hội nghị đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) do Thành ủy, HĐND, UBND thành phố tổ chức.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thực hiện nhiệm vụ đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, từ năm 2021, Hà Nội đã tiến hành việc tổng kết thi hành Luật Thủ đô năm 2012 và đề xuất chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo; UBND thành phố đã thành lập Tổ công tác xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) để lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai nhiệm vụ tổng kết thi hành Luật và xây dựng hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội để cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10.2023) và dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 (đầu năm 2024).

Đóng góp vào hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết Luật Thủ đô 2012 có quy định một số nội dung đặc thù cho Hà Nội về xử phạt hành chính. Thế nhưng, nội dung này "chỉ vượt, chứ chưa trội".

Theo ông Nghị, đối với Hà Nội, những vi phạm như về trật tự xây dựng gây ra những hậu quả rất phức tạp, nặng nề. Nếu chỉ quy định cho phạt gấp 2 lần so với các địa phương khác, người dân thấy vẫn rất có lợi nên sẵn sàng vi phạm.

"Do đó, có thể cho phép Hà Nội quy định mức phạt, thông qua tại HĐND thành phố; mức phạt có thể gấp nhiều lần mức của các địa phương khác, thậm chí là 50 lần. Chúng ta phạt nặng là để ít phải phạt, để người sau không dám vi phạm. Mong là các cơ quan lập pháp như Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp ủng hộ Hà Nội theo hướng đó” - ông Phạm Quang Nghị góp ý.

Trao đổi bên lề hội nghị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, ở Thủ đô Hà Nội, không chỉ có tòa chung cư mini bị cháy ở số 37, ngõ 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, Thanh Xuân) xây sai phép mà còn rất nhiều công trình xây dựng khác xây vượt tầng.

Ông Nghị cho rằng, nếu chỉ phạt cho tồn tại thì chủ đầu tư sẽ “mong cho được phạt” để hợp thức hóa vi phạm. Những đối tượng này kiếm được lợi nhuận rất lớn từ phần công trình vi phạm. Vậy nên, họ sử dụng khoản lợi nhuận để chạy chọt, hối lộ, sau đó tiếp tục vi phạm.

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết nhiều công trình vi phạm sau khi bị phạt sẽ được cho tồn tại. Nếu bị kiểm tra, cán bộ sẽ báo cáo rằng họ đã đi kiểm tra và xử phạt rồi nhưng chỉ xử phạt nửa chừng, không tiến hành cưỡng chế. Ông Nghị cho rằng, trong trường hợp này, cần phải xem xét, làm rõ trách nhiệm cán bộ quản lý, cán bộ địa phương.

Đáng chú ý, ông Nghị cho rằng, đằng sau mỗi công trình, chung cư mini xây vượt tầng so với giấy phép là cả một thế lực lớn "chống lưng".

Tránh chồng chéo, không vi phạm các luật chuyên ngành

Góp ý về nội dung quy định di dời các bệnh viện, trường học, cơ sở sản xuất ô nhiễm ra khỏi nội đô, ông Nguyễn Quốc Triệu - nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành uỷ, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, bản chất quy hoạch Thủ đô là quy hoạch vùng, nên theo Luật Quy hoạch là phải tuân thủ quy hoạch ngành và quy hoạch cấp quốc gia.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần làm rõ mối quan hệ này để bảo đảm việc di dời các cơ sở trên có tính khả thi, phù hợp, không bị chồng chéo, không vi phạm các luật chuyên ngành.

Phát biểu kết luận và tiếp thu ý kiến góp ý tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trân trọng cảm ơn các nguyên lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ đã tham gia hội nghị đóng góp ý kiến trực tiếp hoặc bằng văn bản.

"Chúng tôi xin tiếp thu nghiêm túc và giao cho bộ phận chuyên môn nghiên cứu tiếp thu cụ thể để hoàn thiện các điều, khoản và nội dung, hình thức dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bảo đảm chất lượng cao nhất trước khi trình Quốc hội" - ông Thanh cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn