MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dâng trầm hương vào những ngày lễ tết là nét văn hóa của người dân Khánh Hòa. Ảnh: Phương Linh

Dâng trầm hương ngày Tết

Phương Linh LDO | 13/02/2024 06:30

Dâng trầm hương ngày Tết đã trở thành nét văn hóa giao thoa đất trời tâm linh đặc biệt không thể thiếu với mỗi người dân xứ Trầm hương Khánh Hòa.

Tết không thể thiếu hương trầm

Làng nghề trầm hương ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa vào dịp cuối năm luôn tất bật với những mẻ nhang trầm. Cụ Nguyễn Bội (80 tuổi), một trong số những cao niên ở đây kể: Từ xưa đến nay, các làng nghề trầm hương lại tấp nập bước vào vụ làm nhang (hương) dịp Tết. Trước đây, gia đình khá giả thì ngày Tết, ngoài bánh chưng, thịt heo thì nhà nào cũng phải sắm hộp nụ trầm hương tự nhiên. Bình dân hơn thì mỗi nhà có nén nhang trầm hương.

Dâng Trầm hương ngày Tết trở thành nét văn hóa không thể thiếu của người dân Khánh Hòa. Ảnh: Hồng Minh

Còn với tục lệ làng trầm, ngày Tết, việc đầu tiên của thời khắc giao thừa kính ông bà tổ tiên chính là nén nhang trầm tinh túy. Hương thơm của trầm là khởi đầu một năm giao thoa gửi đến bậc tiền nhân nên với mỗi gia đình, đây là món không thể thiếu trong ngày Tết.

Với người dân Nam Trung Bộ và nhất là văn hóa của người dân Khánh Hòa ngày Tết, “mùi Trầm hương thiếu vẫn là chưa Xuân”. Trong khoảnh khắc giao mùa, đón xuân từ chùa, từ tháp tự thờ bà mẹ xứ sở Ponagar đến từng gia đình đều không thể thiếu bóng hộp hương trầm trên ban thờ tự.

Trong “Xứ Trầm hương” của Quách Tấn ghi lại: Trầm hương là khí anh tú tụ vào cây Dó sống lâu năm nơi non cao rừng rậm. Khí này kết tinh thành trầm hương và kỳ nam.

Làn khói mang theo hương trầm tự nhiên thơm thoang thoảng. Ảnh: Phương Linh

Trong đó, kỳ nam có nhiều dầu, có tính chất nhẹ và mềm, màu đen đủ vị cay chua ngọt đắng, mùi thanh khói bay thẳng và vút. Còn trầm hương là thứ kỳ ít dầu, chất cứng, nặng có màu hơi vàng, vị đắng, khói trầm bay vòng rồi tản ra.

Từ xa xưa, trầm hương được dùng để đốt trong những buổi cúng tế, lễ làng. Sự dịu nhẹ của hương trầm thoang thoảng lan tỏa khi đốt lên, vừa trang trọng vừa thành kính, đó là sức hút của linh khí trầm. Một cảm giác thanh tịnh mà gần gũi đó là điều riêng biệt của trầm hương ngày Tết.

Chuyện dùng trầm ở xứ “trầm"

Câu ca “Khánh Hòa là xứ trầm hương/Non cao biển rộng người thương đi về” đã khẳng định nơi có nhiều trầm nhất chính là xứ Khánh Hòa.

Theo "Xứ Trầm hương", yến thì không phải ai cũng dùng ngày Tết, nhưng không nhà nào lúc giao thừa hay sáng mùng 1 không có một lư trầm tỏa hương nơi bàn thờ tổ tiên, nơi bàn Phật thánh.

Những dòng trầm hương được phân loại giá trị theo độ nhiều hay ít dầu mang mùi thơm dễ chịu. Ảnh: Phương Linh

Hơn 50 năm gắn bó với trầm, ông Biện Quốc Dũng - Chủ tịch Hội Trầm hương Khánh Hòa - dẫn giải, trong thế giới trầm hương, người chơi lẫn người thưởng đều lắm công phu.

Với trầm hương ngày Tết, dân dùng trầm chia thành 3 loại. Đó là nhang trầm hương thiên nhiên được sản xuất từ nguyên liệu trầm hương rừng núi lấy từ cây Dó bầu được mọc hoang trong những cánh rừng già, Trung bộ Việt Nam.

Từ tác động bão gió, sét đánh đổ cây, gãy cành... gây lên những vết thương, một loài nấm ăn vào làm loang các vết thương này ra thân.

Bao nhiêu chất bổ của cây đổ về nuôi dưỡng vết thương đến khi có trầm thì cây cũng kiệt quệ và được các phu trầm khai thác về.

Sau khi làm thành phẩm thì các dăm vụn tỉa từ trầm được xay thành bột làm nhang cây. Nhang này khi đốt sẽ cho ra mùi hương thoang thoảng nhẹ nhàng, dịu ngọt mà sâu lắng.

Khi hít sâu vào, mang cảm giác với hương vị ngọt ngào. Dân gian thường hay ví von “sản phẩm đi sâu vào lòng người” - đây cũng là điều đặc trưng riêng của trầm hương Khánh Hòa.

Rất nhiều mẫu mã hương trầm được sản xuất phục vụ người dân dùng dịp Tết. Ảnh: Phương Linh

Đối với loại thứ 2 là nhang trầm sạch, trầm tự nhiên hay còn gọi là Dó Xí là nhang được sản xuất từ nguyên liệu trầm hương tự nhiên, cũng từ những cây Dó bầu được trồng hoặc mọc trong những cánh rừng ven… Không có tác động từ bàn tay con người, chỉ từ bên ngoài với điều kiện tự nhiên như các loại con mối ăn ở gốc ăn lên, con sùng đục thân, con kiến vào làm tổ tạo ra các vết thương chằng chịt.

Sau khi khai thác về, tùy vào nhu cầu mà nhà sản xuất cho ra những dòng nhang, khi được đốt lên sẽ cho ra mùi hương thơm thoang thoảng, nhẹ nhàng, cảm giác thư thái, tâm tĩnh lặng dễ chịu. Nhưng chỉ thơm thoảng qua nhẹ nhàng rồi mất, không đi sâu vào bên trong như mùi trầm hương Dó núi thiên nhiên.

Và loại thứ 3 là nhang trầm có hóa chất là một loại nhang được sản xuất từ nguyên liệu trầm không có nguồn gốc, do cấy tạo hoá chất từ thân cây Dó trồng được, tác động kích thích các chất tạo trầm bằng hoá chất không đúng tiêu chuẩn. Nhang này khi đốt lên sẽ cho ra rất nhiều khói, thoáng qua vẫn có mùi thơm nhưng nặng, hít sâu vào hơi gắt. Và càng sâu cảm giác càng khó chịu, đoạn cuối sẽ để lại trong ta một mùi vị rất khét…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn