MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đang xác định tài sản Giám đốc Công an Đà Nẵng

Nguyễn Trang - Nguyễn Tri LDO | 22/06/2018 19:35

Trước những vụ phát hiện tài sản khủng, không rõ ràng của nhiều cán bộ Đà Nẵng thời gian qua, cử tri chưa hài lòng về việc kiểm kê tài sản cán bộ cũng như công tác chống tham nhũng.

Còn cán bộ lãnh đạo có biệt phủ nữa không? 

Sáng 22.6, đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng đã có buổi tiếp xúc cử tri tại quận Hải Châu, Sơn Trà. Tại đây, cử tri Nguyễn Chí Tống phát biểu, sau 13 năm có Luật Phòng chống tham nhũng, kỳ họp Quốc hội vừa qua đã bàn nhiều về mở rộng diện kê khai tài sản trong sửa đổi.

“Sau khi kê khai phải công khai, kiểm soát và thu hồi cho được tài sản tham nhũng. Thời gian qua, kê khai xong, chúng ta đóng dấu mộc rồi cất tủ, người dân chẳng biết đâu. Có trường hợp, dân biết người tham nhũng đó nhưng không dám tố cáo, vì vậy bằng mọi giá, nhà nước phải bảo vệ người tố cáo tham nhũng để quần chúng mạnh dạn tố cáo”.

Trước đó, tại buổi tiếp xúc quận Ngũ Hành Sơn, cử tri Lê Minh Thành cũng có cùng thắc mắc việc kê khai, giải trình tài sản của một số cán bộ cao cấp thành phố đã làm đến đâu rồi?

Ông Thành nêu ra hai trường hợp, tài sản của thư ký ông Nguyễn Xuân Anh – Bí thư Thành uỷ trước đây và biệt thự của Giám đốc Công an thành phố Lê Văn Tam đã giải trình đến đâu rồi sau khi bị phát hiện.

Cử tri Hoàng Đình Cảnh (tổ 28, phường Mỹ An đặt câu hỏi: “Còn có bao nhiêu công chức, chống lưng cho các doanh nghiệp vi phạm pháp luật, rồi có bao nhiêu người có biệt phủ nữa? Chúng ta phải làm rõ để không có tình trạng doanh nghiệp liên tục vi phạm, đặc biệt là xây dựng sai phép, trái phép còn cán bộ lãnh đạo thì lâu lâu lại phát hiện người này có biệt thự, biệt phủ”.

Đang xác định tài sản Giám đốc Công an Đà Nẵng 

Trả lời cử tri, ông Trương Quang Nghĩa – Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng cho rằng, cử tri nên lưu ý, tài sản không giải thích được khác với tài sản do tham nhũng mà có. Nếu đã xác định là tài sản tham nhũng thì không những tịch thu toàn bộ tài sản của cán bộ mà cán bộ còn phải đi tù. 

Ông Nghĩa đưa ra trường hợp nhà ở của ông Lê Văn Tam - Giám đốc Công an thành phố mà cử tri hỏi do đâu mà có để làm ví dụ giải thích với cử tri về “tài sản không giải thích được”.

Ông Nghĩa nói: “Ví dụ nhà anh Tam có thông tin định giá bây giờ là 100 tỷ đồng; nhưng ở thời điểm mua nhà, anh Tam giải trình rằng anh mua có 10 tỷ đồng. Vậy cũng khó nói anh Tam làm sao có được nhà 100 tỷ đồng. Đấy là tài sản không giải thích được. Có thể do mua bán bất động sản trong thời gian dài thì giá trị nhà đất tăng lên, giá trị tài sản tăng lên; chứ không phải có 100 tỷ đồng để mua nhà”.

Ông Nghĩa cho hay, hiện nay Ủy ban Kiểm tra đang phối hợp với Đảng uỷ, Công an Trung ương thành lập đoàn giám sát tài sản của đồng chí Tam. Khi có kết quả, kết luận thì Trung ương sẽ thông báo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn