MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lương khối DNNN và các thành phần còn lại trong nền kinh tế đang tồn tại nhiều bất cập. Ảnh: P.V

Đánh giá hiệu quả kinh doanh để xác định mức chi trả tiền lương

LÊ PHƯƠNG - KHÁNH HÒA LDO | 27/11/2017 10:41
Khối doanh nghiệp (DN) Trung ương hiện có 33 tập đoàn, Tổng Cty hoạt động theo hình thức doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc 6 lĩnh vực ngành nghề với tổng vốn chủ sở hữu gần 1,3 triệu tỉ đồng.

Việc xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh doanh của các DNNN để xác định mức chi trả tiền lương là cần thiết và để DNNN tự chủ hoàn toàn theo cơ chế thị trường hay tự chủ một phần với sự quản lý của Nhà nước là những câu hỏi được đặt ra khi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công - khảo sát tại Đảng uỷ khối DN Trung ương. 

Không thể một mình một chợ

Trưởng ban Chỉ đạo Vương Đình Huệ cho rằng, việc khảo sát tiền lương tại khối DNNN hoặc Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối là nội dung quan trọng trong Đề án cải cách tiền lương sẽ trình Trung ương thảo luận. Nhiều vấn đề được đặt như: Thực hiện chế độ tiền lương thưởng, thù lao theo cơ chế thị trường không cào bằng, vai trò quản lý của Nhà nước sẽ thế nào trong các DNNN - nơi mà Nhà nước nắm 100% cổ phần hoặc nắm cổ phần chủ đạo.

Phó Thủ tướng cũng đặt vấn đề, việc hội nhập thị trường lao động với khu vực khi “ASEAN một thị trường một nước sản xuất thì mình có một mình một chợ được không?”. Yếu tố hội nhập sẽ được tính toán ra sao.

Liên quan tới vấn đề này, Đảng uỷ khối DN Trung ương đánh giá việc áp dụng lương tối thiểu vùng (4 vùng) đối với người lao động trong các DN cơ bản phù hợp, 100% đơn vị thuộc khối đều thực hiện trả mức lương thấp nhất cho người lao động cao hơn 7% so với mức lương tối thiểu vùng và đề nghị cho tất cả các DN có cơ chế như nhau trong trả lương theo nguyên tắc thị trường, phản ánh đúng giá trị công việc, nhằm thu hút, duy trì và phát triển đội ngũ nhân sự, lấy chỉ tiêu lợi nhuận, tỉ suất lợi trên vốn làm tiêu chí đánh giá chính.

Trưởng ban Chỉ đạo Vương Đình Huệ cho rằng, cần tăng cường tính tự chủ về thực hiện chính sách lương cho DN nhưng cần có lộ trình để triển khai. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn phải quản lý lương tối thiểu vùng theo thông lệ quốc tế, quản lý việc chi trả lương cho chức danh đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN. Chức danh lãnh đạo DNNN mà Nhà nước không quy định thì sẽ “thả nổi” để DN tự quyết định mức lương.

Ngoài ra, Trưởng ban Chỉ đạo cũng yêu cầu các bộ xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh doanh của các DNNN để xác định mức chi trả tiền lương phù hợp của DNNN; quy định mức lương tối thiểu vùng theo giờ để đáp ứng nhu cầu công việc bán thời gian, theo thời vụ theo nhu cầu của DN và người 
lao động.

Về điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng, cần tính tới việc tích luỹ biến động của chỉ số giá tiêu dùng và tỉ lệ tăng năng suất lao động; đồng tình với các ý kiến cho rằng, Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng thay vì Chính phủ phải ban hành Nghị quyết để điều chỉnh như hiện nay.

Trưởng ban Chỉ đạo cũng đề nghị các bộ nghiên cứu bỏ thang, bảng lương trong khối sản xuất kinh doanh theo lộ trình để tự DN quyết định tiền lương; tăng cường các thành viên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia với các thành viên là đại diện cho giới chủ và các chuyên gia tiền lương độc lập.

Càng sớm đi vào đời sống càng tốt

Khối DNNN với tổng vốn chủ sở hữu gần 1,3 triệu tỉ đồng, chiếm gần 90% tổng số vốn Nhà nước đầu tư vào DN. Tổng doanh thu hằng năm hơn 1 triệu tỉ đồng, lợi nhuận đạt hơn 82.000 tỉ đồng nên việc xác định mức lương trên hiệu quả kinh doanh và càng sớm áp dụng càng tốt. Đây là quan điểm của ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐTBXH).

Theo ông Vinh, việc trả lương theo hiệu quả công việc và tăng tính tự chủ của DN là việc lâu nay đã nói nhiều nhưng chúng ta không tuân theo. “Có lãnh đạo DN lương hàng trăm triệu/tháng là rất phi lý, trong khi nói chuyện căn cứ lỗ - lãi thì còn nhiều vấn đề phải bàn. Khối DN tư nhân không bao giờ trả lương kiểu đó” - ông Vinh nói.

Về tham chiếu so sánh, ông Vinh cho rằng rất cần thiết và nên so sánh DNNN với DN tương đương khu vực tư nhân xem họ trả lương như thế nào. Chuẩn nhất sẽ lấy các doanh nghiệp cùng lĩnh vực, quy mô, điều kiện sản xuất kinh doanh,... để so sánh. Lâu nay khối DNNN nhiều đơn vị trả mức lương rất bất hợp lý; bên cạnh đó có người kêu lương thấp nhưng cộng những khoản thu nhập ngoài lương thì tổng thu nhập rất cao.

Ông Vinh chỉ ra có DNNN lương công nhân rất thấp nhưng lương lãnh đạo lại cao một cách không hợp lý. “Đây là sự chênh lệch quá đáng của mức lương quản lý - công nhân. Quan hệ tiền lương rất bất cập” - ông Vinh nhấn mạnh.

Được hỏi về cơ chế kiểm soát, ông Vinh cho hay thang bảng lương chỉ là nguyên tắc cơ bản, phải đưa ra các tiêu chí cụ thể để đánh giá. Ví dụ là các chỉ tiêu kế hoạch cụ thể: lợi nhuận, doanh thu, phát triển thị trường,... có đạt hay không.

Ngoài ra, khi so sánh thì ngoài quan hệ nội bộ doanh nghiệp cần phải so ngang với khối tư nhân và các khu vực khác. Phải so sánh khu vực nhà nước mức lương như thế có hợp lý hay không? Việc quy định 5% hay 7% do quy định hiện hành, sau một quãng thời gian tăng lương, DN đôi khi đối phó, nên không hợp lý, có những công việc tăng mãi cũng không được. Những năm đầu tăng nhưng càng về sau tay nghề, năng suất không tăng mà ép DN tăng thì rất khó.

“Tăng cho nó có, tăng đối phó, tăng không có ý nghĩa gì với người lao động cả” - ông Vinh chia sẻ quan điểm.

Về lộ trình cải cách tiền lương khối DNNN, ông Vinh nhấn mạnh nên làm ngay, không nên kéo dài và càng sớm đưa vào đời sống càng tốt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn