MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kênh Bảo Định (đoạn qua TP.Tân An) đang hồi sinh, phục vụ phát triển kinh tế, du lịch cho tỉnh Long An. Ảnh: K.Q

“Đánh thức” Bảo Định, kênh đào hơn 300 tuổi ở vùng Tây Nam Bộ

Kỳ Quan LDO | 10/06/2020 12:38

Bảo Định là dòng kênh được đào đầu tiên ở Tây Nam Bộ, gắn với thời kỳ người Việt đến khẩn hoang vùng đất này, từng là tuyến giao thông trọng yếu giữa miền Đông và Tây Nam Bộ. Sau thời gian dài bị bỏ quên, dòng kênh này đang được “đánh thức” trở lại để phục vụ phát triển kinh tế, du lịch…


Các con đập chắn 2 đầu dòng kênh Bảo Định. Ảnh: K.Q

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang – ông Lê Văn Hưởng – cho biết, bên cạnh việc khai thác bờ Bắc sông Tiền phục vụ phát triển kinh tế, tỉnh Tiền Giang cũng đang có kế hoạch khai thác 2 bên bờ sông Bảo Định để phát triển kinh tế, du lịch cho TP.Mỹ Tho và huyện Chợ Gạo.

Do nhà dân cất san sát 2 bên bờ sông nên cần có nguồn kinh phí lớn để đền bù, giải tỏa. Ông Hưởng đánh giá, so với kênh Nhiêu Lộc ở TP.HCM thì kênh Bảo Định có giá trị lớn hơn rất nhiều nếu khai thác đúng mức giá trị kinh tế, lịch sử, văn hóa của nó.

Trong khi đó, ở đầu Vàm Cỏ Tây, tỉnh Long An cũng đã và đang đầu tư làm bờ kè, chỉnh trang 2 bên kênh Bảo Định, tạo điểm nhấn cho TP.Tân An. Theo Sở VHTTDL tỉnh Long An, ngành du lịch 2 tỉnh Long An và Tiền Giang  cũng đang tính toán khai thác kênh Bảo Định phục vụ du lịch sinh thái gắn với lịch sử, văn hóa miệt vườn.

Theo tài liệu lịch sử, vào năm 1705, vâng lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu, Vân Trường hầu Nguyễn Cửu Vân đem quân đi ổn định vùng đất người Việt mới khai khẩn ở khu vực 2 tỉnh Long An - Tiền Giang ngày nay. Để phòng giữ miền biên cảnh, Nguyễn Cửu Vân cho đắp một chiến lũy và cho đào một hào sâu rộng nối liền sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây, ghe thuyền nhỏ có thể đi lại được

Đến đầu năm 1819, vua Gia Long cho huy động khoảng 1 vạn nhân công làm ròng rã 3 tháng để nới rộng dòng chảy con hào dài khoảng 14km này và cho đặt tên là Bảo Định hà (sông Bảo Định), trở thành tuyến giao thông huyết mạch giữa miền Đông và miền Tây Nam bộ.

Sau đó, nhiều con kênh khác nối liền sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây tiếp tục được đào, rồi giao thông bộ phát triển, dòng kênh Bảo Định dần mất ưu thế.

Hơn nửa thế kỷ qua, ở 2 đầu dòng kênh được đắp đập để trữ nước ngọt, ghe tàu hoàn toàn không còn qua lại. Dòng kênh một thời nhộn nhịp chìm vào “giấc ngủ” dài. Lục bình, cỏ dại mọc kín, che lấp dòng kênh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn