MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đánh thức tiềm năng du lịch hồ Tây

KHÁNH AN LDO | 26/03/2023 15:42

Theo Viện trưởng Phát triển du lịch Châu Á, nếu các dịch vụ ở hồ Tây phong phú hơn thì việc phát triển du lịch Hà Nội trong một góc nhìn mới sẽ rất ấn tượng. 

UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến dự thảo quy định quản lý hồ Tây.

Dự thảo nêu 12 loại hình dịch vụ được phép hoạt động. Đó là kinh doanh tàu du lịch, thuyền, xuồng canô, xe đạp nước trên hồ (không lưu trú qua đêm); vận chuyển hành khách bằng phương tiện thủy (kết hợp các công ty lữ hành du lịch quốc tế và nội địa trong khu vực);

Dịch vụ bơi thuyền (gồm chèo thuyền sup, thuyền kayak, thuyền peritxia, chèo thuyền rồng, thuyền truyền thống); hoạt động thuyền lướt ván, thuyền buồm; bơi lặn.

Ngoài ra, thành phố cũng muốn hồ Tây phát triển nhiều dịch vụ du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thể thao; biểu diễn nhạc nước; khinh khí cầu; bay dù lượn; kinh doanh sân tập golf nước trên hồ.

Nếu ai từng đi qua hồ Tây chắc không còn lạ lẫm với những chiếc du thuyền bỏ hoang, xơ xác. Ảnh: Thu Hiền 

Theo ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Phát triển du lịch Châu Á, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, ở rất nhiều nước trên thế giới, cũng như nhiều địa phương ở Việt Nam, mô hình tham quan du lịch trên sông, hồ đóng một vai trò rất quan trọng.

Đây cũng là một mô hình thu hút khách du lịch đến với địa phương.

Ông Quỳnh đánh giá mô hình du thuyền trên hồ Tây trước đây hoạt động khá hiệu quả, nhưng do vấn đề quản lý và ảnh hưởng đến môi trường nên đã bị đóng cửa.

Việc mở lại dịch vụ trên Hồ Tây hay mở thêm dịch vụ du lịch mới sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng đến môi trường.

Vậy nên, khi mở ra bất kỳ dịch vụ nào mới, đơn vị phụ trách cần lường trước các trường hợp cũng như có phương án xử lý môi trường tối ưu. 

“Theo Nghị quyết 08 của Bộ chính trị, xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì chúng ta cần mở thêm càng nhiều dịch vụ cho Hà Nội để thu hút du khách.

Thay vì cấm du thuyền hoạt động như trước đây, chúng ta nên có những quy chuẩn và có những phương pháp quản lý chặt chẽ về môi trường.

Việc mở các dịch vụ du lịch như tàu du lịch, thuyền, xuồng ca nô, xe đạp nước trên hồ hoặc lướt ván thuyền buồm, bơi lặn… sẽ giúp thu hút khách khi đến với Hà Nội nói chung và hồ Tây nói riêng” – ông Quỳnh nói. 

Ông Quỳnh cho hay, từ trước đến nay, Hà Nội là điểm đến của nhiều khách du lịch. Thế nhưng, dịch vụ du lịch trải qua các năm không có nhiều thay đổi - vẫn là những tour truyền thống và những tour văn hóa, lịch sử. 

“Du khách khi đến Hà Nội thường đến với hồ Tây. Đến cả người dân Hà Nội quanh năm đều thích tập thể dục, đạp xe, hay đến hồ Tây để thư giãn. Vì vậy có thể nói hai chữ “hồ Tây” rất ấn tượng và thu hút rất nhiều người muốn đến. 

Nếu các dịch vụ ở hồ Tây mà phong phú thì việc phát triển du lịch Hà Nội trong một góc nhìn mới sẽ rất ấn tượng” - Viện trưởng Phát triển du lịch Châu Á khẳng định. 

  Hà Nội là điểm đến yêu thích của nhiều khách du lịch. Ảnh: Khánh An

Trước đó vào năm 2015, Hà Nội giao các đơn vị liên quan dời bến thủy nội địa đầu Thụy Khuê, phía giao cắt với đường Thanh Niên về khu vực Đầm Bảy thuộc phường Nhật Tân.

Thành phố cũng chỉ đạo quận Tây Hồ rà soát, yêu cầu các đơn vị có phương tiện thủy nội địa cũ nát không sử dụng di chuyển khỏi khu vực hồ Tây.

Đầu năm 2017, Hà Nội yêu cầu chấm dứt hoàn toàn hoạt động kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng khai thác thủy sản của các doanh nghiệp trong phạm vi quản lý hồ Tây. 

Các chủ phương tiện tàu thuyền du lịch, nhà nổi phải tự tháo dỡ phương tiện và di dời, tuy nhiên đến đầu năm 2023, việc này vẫn chưa hoàn tất.

Hồ Tây rộng hơn 527 ha, chu vi xung quanh hồ khoảng 19 km. Hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Tây cơ bản được hoàn thiện đồng bộ từ taluy mái kè với đường dạo, hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh.

Xung quanh hồ và vùng phụ cận có 22 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng và một số làng nghề truyền thống nổi tiếng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn