MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều hiện tượng giáo dục xấu diễn ra khiến nhiều người không khỏi lo âu.

Đạo đức người thầy: Không rà soát lại thì sẽ còn nhiều hiện tượng giáo dục xấu

Hạ Nhiên LDO | 09/04/2018 15:05
Đây là quan điểm của nhiều chuyên gia giáo dục trước về vấn đề đào tạo chuẩn mực đạo đức cho người thầy.  

Ngày 8.4, Bộ GDĐT cho biết, tại cuộc họp giữa Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ với nhóm nghiên cứu xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học mới đã đưa ra nhận định rằng, các trường sư phạm “quên” đào tạo chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng sống cho sinh viên.

Bình luận về điều này, PGS.TS Nguyễn Thám – nguyên Hiệu trưởng Đại học sư phạm Huế cho rằng, nếu nói các trường sư phạm chỉ tập trung chuyên môn thôi là không đúng, hiện nay ở nhiều trường sư phạm, đặc biệt ở các trường sư phạm lớn đã rất chú trọng trong việc đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho giáo viên tương lai.

Riêng ở Đại học sư phạm Huế, các học phần về nghiệp vụ sư phạm liên quan đến tâm lý giáo dục là 34 tín chỉ/ tổng số 130 tín chỉ là một tỉ lệ khá cao. Con số này cũng tăng lên khá nhiều so với trước đây, trước đây chỉ có khoảng 22 - 23 tín chỉ. Ngoài học chính khóa thì ở các trung tâm của trường cũng tổ chức tập huấn thêm kỹ năng mềm cho sinh viên. “Theo tôi có thể tăng thêm số tín chỉ liên quan đến học phần nghề nghiệp và nên tăng cường  vào giảng dạy thêm học phần đạo đức nghề nghiệp nhà giáo để giáo dục tốt hơn cho sinh viên sư phạm” – ông Thám nói.

Về vấn đề này, ông Huỳnh Văn Hoa – nguyên Giám đốc Sở GDĐT Thành phố Đà Nẵng cho rằng, vào ngành giáo dục đồng nghĩa với việc chấp nhận cái nghiệp làm thầy, phải hết sức chuẩn mực, mô phạm, làm tấm gương cho học sinh noi theo. Từ xưa đến nay, nhiều nhà sư phạm đã làm tốt việc đó, cũng có thể nói xã hội nhìn vào người thầy để tin tưởng vào tương lai của đất nước.

Nhưng những hiện tượng phản cảm xảy ra trong ngành giáo dục gần đây đã khiến nhiều người lo âu, “Tôi nghĩ rằng ngành giáo dục mà trước hết là Bộ GDĐT cần phải rà soát lại toàn bộ quy trình đào tạo người thầy. Trong đó bao gồm từ việc tuyển sinh, nội dung đào tạo, chất lượng đào tạo người thầy ra sao. Thứ hai phải đề ra nhiều chuẩn mực đề đạo đức, phẩm chất của người thầy – đây phải là những phần bắt buộc từ khi sinh viên bước chân vào trường sư phạm cho đến khi ra trường. Sinh viên luôn phải tâm niệm những điều nhà trường dạy về luân lý sư phạm để sau này ra làm thầy.

Thứ ba, khi đã chọn nghề đi dạy, sinh viên phải cố gắng hết sức rèn luyện về đạo đức, phẩm chất, chuyên môn, ứng xử để xứng đáng với khẩu hiệu “Mỗi thầy giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo” – ông Hoa phân tích.

Ông Hoa nói thêm, hiện nay việc quản lý về chỉ tiêu sư phạm đang bị buông lỏng nên nhiều nơi và nhiều hệ thống đều có thể mở trường đào tạo thầy giáo được, kể cả hệ thống tư thục đến công lập. Do đó phải rà soát lại toàn bộ, để như hiện nay thì hiện tượng xấu vẫn sẽ diễn ra trong môi trường sư phạm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn