MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh trường múa tốt nghiệp THCS sẽ được học cao đẳng. Ảnh: M.T

Đào tạo cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS: Còn bất cập và mâu thuẫn

Minh Thành LDO | 06/11/2021 06:30

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS)”.

10 ngành học với tổng số 4.000 người

Theo dự thảo, tổ chức triển khai thí điểm mô hình đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS đối với 10 ngành, nghề trọng điểm thuộc lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật và dịch vụ với khoảng 400 học sinh/ngành nghề. Tổng số người tham dự khoảng 4.000 người.

Đề án dự kiến thực hiện thí điểm đối với 10 ngành, nghề phù hợp với đối tượng người học tốt nghiệp THCS, gồm: Công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm), điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, quản trị mạng máy tính, thiết kế đồ họa, vẽ và thiết kế trên máy tính, hướng dẫn viên du lịch và diễn viên múa.

Mục tiêu của mô hình thí điểm là đào tạo trình độ cao đẳng với đầu vào là học sinh sau tốt nghiệp THCS đòi hỏi người học phải có kiến thức văn hóa phổ thông; có năng lực thực hiện được công việc của ngành nghề ở trình độ cao đẳng; giải quyết được các công việc có tính phức tạp của ngành, nghề đào tạo; có khả năng sáng tạo, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào công việc, hướng dẫn và giám sát được người khác trong nhóm thực hiện công việc.

Mô hình có cấu trúc 5 năm, chia 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (9+2) là 2 năm, giai đoạn 2 (9+3) là 1 năm; giai đoạn 3 (9+5) là 2 năm; tương ứng với trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng. Trong thời gian 5 năm, người học được học kiến thức văn hóa trung học phổ thông song song với kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp.

Còn mâu thuẫn

Trao đổi với Lao Động, Tiến sĩ Hoàng Công Dụng - Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho rằng: “Mục tiêu giáo dục hướng nghiệp, phân luồng trong Đề án đã nêu cụ thể. Hiểu một cách đơn giản: Phân luồng là để làm gì?

Thực chất việc phân luồng là phân loại năng lực, sở trường, nguyện vọng, nhu cầu của bản thân học sinh và điều kiện thực tế, nhu cầu nhân lực của xã hội để phát triển các nhánh theo các hướng khác nhau. Có nghĩa là sau khi phân luồng, ai có thế mạnh gì thì nên theo cái đó.

Nếu đã xác định tiếp tục học lên các cấp cao hơn thì phải chuyên tâm cho việc học hành, tiếp tục học lên trung học phổ thông, đại học và cao hơn nếu có thể. Nếu xác định học nghề thì theo hướng trau dồi kỹ năng nghề nghiệp và sớm tham gia thị trường lao động, nâng cao tay nghề thông qua thực hành, lao động và học tập kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp.

Do đó, đã phân luồng cho một số học sinh theo tỉ lệ nhất định nào đó đi học nghề mà lại định hướng số này hướng đến mục tiêu bằng cấp thì tôi thấy khá lòng vòng và mâu thuẫn”.

TS Hoàng Công Dụng cũng đặt vấn đề: Cần áp dụng các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là nâng cao kỹ năng nghề, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động chứ không phải lao tâm khổ tứ đi tìm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo chương trình giáo dục phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thay vì hướng các em đi học nghề tới việc có được cơ hội sở hữu tấm bằng trung học phổ thông và cao hơn là tấm bằng đại học thì việc ưu tiên cho giáo dục nghề nghiệp là tăng cường đầu tư trang thiết bị, phối hợp với doanh nghiệp nâng cao chất lượng thực hành, thực tập, nâng cao chất lượng đội ngũ để ngay sau khi tốt nghiệp sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề thì học viên/học sinh có thể tham gia và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động được ngay.

Nếu tập trung đầu tư cho việc học văn hóa thì vô hình trung lại biến cơ sở đào tạo nghề trở thành cơ sở giáo dục phổ thông một cách không chính quy và lệch mục tiêu đào tạo của cơ sở đào tạo nghề. Chưa nói đến việc, sẽ tốn rất nhiều công sức, tiền của và thời gian cho việc đầu tư này.

“Nếu theo dự thảo Đề án thí điểm, người học phải đạt được hai chuẩn đầu ra, đó là chuẩn đầu ra của giáo dục nghề nghiệp và chuẩn đầu ra của giáo dục phổ thông nếu theo học 5 năm. Với điều kiện được phân luồng riêng và các nhóm được phân luồng được đào tạo chính quy và chuyên nghiệp cho mỗi chuẩn này, chúng ta cũng phải rất vất vả và khó khăn để đạt mục tiêu. Tôi thấy nếu người học đạt cả hai chuẩn này là điều vô cùng lý tưởng nhưng tôi chưa dám nghĩ đến tỉ lệ đạt cả hai chuẩn/số lượng người học là bao nhiêu. Vì đó là điều rất khó khả thi - Tiến sĩ Dụng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn