MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lớp học nấu ăn giúp nhiều người dân có công việc ổn định tại các khu du lịch cộng đồng. Ảnh: ĐVCC

Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động ở Hòa Bình

Minh Nguyễn LDO | 15/12/2023 08:24

Hàng chục lớp đào tạo nghề đã được mở tại huyện vùng cao Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, qua đó giúp người dân có thêm kiến thức, giảm tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm.

Tự tin sản xuất sau khi được đào tạo

Đầu tháng 12.2023, PV có mặt tại Đà Bắc - huyện vùng cao, điều kiện kinh tế khó khăn nhất của tỉnh Hòa Bình. Theo ghi nhận, nhiều người dân đã áp dụng thành công các kiến thức được học thông qua các lớp dạy nghề vào việc trồng trọt, chăn nuôi, từ đó cuộc sống ổn định hơn.

Ông Bàn Văn Lý (57 tuổi, trú xã Tân Minh) cho biết, trước đây khi trâu, bò ốm, bị bệnh người dân chỉ biết trông chờ vào bác sĩ thú y hoặc tự chữa nên rủi ro rất cao. Sau khi học lớp chăn nuôi, người dân được phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ thuật nên đã biết cách phòng, trị bệnh cho trâu bò. Nhiều gia đình mạnh dạn đầu tư mua thêm vật nuôi, tăng cường sản xuất.

Còn chị Lý Thị Quyết (36 tuổi, trú xã Cao Sơn) chia sẻ, sau khi học lớp nấu ăn, du lịch đã được tuyển dụng và có công việc ổn định tại một homestay trên địa bàn huyện với mức thu nhập 6-7 triệu đồng/tháng, đảm bảo được cuộc sống gia đình, nuôi con cái ăn học.

Theo Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện Đà Bắc, năm 2023, đơn vị đã mở 35 lớp học đào tạo cho gần 1.000 học viên chủ yếu là người dân địa phương, với các ngành nghề như: Thêu thổ cẩm, dệt thổ cẩm, mây tre đan, sửa chữa máy nông nghiệp, hướng dẫn du lịch, nấu ăn, nuôi cá, nuôi gà, nuôi trâu bò, sửa chữa điện tử, may túi siêu thị, may công nghiệp, chăn nuôi lợn... Liên kết với các trường cao đẳng, trung cấp mở nhiều trung cấp chuyên nghiệp.

Đồng thời, tổ chức 18 cuộc tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề, việc làm và các dịch vụ hỗ trợ việc làm, đi làm việc ở nước ngoài với hơn 1.620 người trong độ tuổi lao động tham gia.

Đáp ứng đúng nhu cầu của người dân

Ông Đinh Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện Đà Bắc - cho biết, quá trình vận động học viên đi học rất thuận lợi vì người dân cũng có nhu cầu tiếp thu thêm kiến thức. Người dân được miễn chi phí học tập và được hỗ trợ 30 nghìn đồng/ngày cùng các nguyên liệu để thực hành, lớp học diễn ra trong thời gian 3 tháng.

Theo ông Tuấn, thông qua các chương trình đào tạo, người dân đã có được các kiến thức cơ bản của các ngành nghề có thể áp dụng vào việc sản xuất, chăn nuôi tại gia đình hoặc đi làm công nhân tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Sau đào tạo, đa phần học viên đều có việc làm, có thu nhập ổn định, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, đã có doanh nghiệp tiến hành mua sản phẩm mây tre đan của những học viên mới tốt nghiệp lớp học.

“Năm tới, đơn vị sẽ tiếp tục đào tạo các ngành nghề phụ hợp với địa phương như du lịch cộng đồng, một số nghề thủ công mây tre đan, nghề bổ trợ cho du lịch như thêu, dệt và nghề chăn nuôi, trồng trọt. Đồng thời, tìm đầu ra cho các sản phẩm phù hợp với ngành nghề đã đào tạo, góp phần giải quyết việc làm cho người dân” - ông Tuấn thông tin thêm.

Trao đổi với PV, bà Bàn Kim Quy - Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc - cho biết, để giải quyết nhu cầu việc làm cho người dân, huyện đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, các xã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm cho người nghèo, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Theo bà Quy, công tác tuyên truyền, hướng nghiệp được tăng cường, nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề, lập nghiệp. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tăng cường liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, huy động các doanh nghiệp cùng tham gia dạy nghề; mở rộng thực hiện cơ chế dạy nghề theo hợp đồng đào tạo hoặc đặt hàng cơ sở đào tạo, doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn