MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường hay theo đơn đặt hàng đang là xu thế chung của thị trường lao động. Ảnh: V.T

Đào tạo nghề theo cung - cầu thị trường lao động

Văn Tùng LDO | 19/05/2022 11:21

Hiện đang là thời điểm các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, bù đắp sản lượng sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Từ đó, kéo theo nhu cầu nhân lực, đặc biệt là lao động có chất lượng. 

Đáp ứng nhân lực theo yêu cầu của các doanh nghiệp

Đã theo học lớp kỹ thuật may công nghiệp được 2 tháng, chị Nông Thị Lành (xã Vinh Sơn, TP.Sông Công) đang hy vọng về một công việc ổn định. So với việc ở nhà làm ruộng và chăn nuôi thêm thì làm công nhân may cho thu nhập cao hơn nhiều. Chỉ hơn 1 tháng nữa là chị Lành và 150 học viên sẽ kết thúc khoá học và đi làm ngay. Chị Lành chia sẻ: “Khi quyết định đi học nghề này là nhà trường hứa, cam kết sẽ có việc làm ngay sau kết thúc khoá học”. Còn anh Hoàng Công Hùng (huyện Trùng Khánh, Cao Bằng) làm việc tại Cty sản xuất linh kiện điện tử trong KCN Sông Công II cho biết, trong lúc đang học nghề tại trường đã được DN đến đặt vấn đề tuyển dụng. Lúc đó, trường đào tạo thêm những kỹ năng theo yêu cầu của công ty để khi ra trường là có thể làm ngay.

Theo anh Hùng: “Tôi cũng đã tìm hiểu về cơ sở mình định học, được biết trường có liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo lao động và có việc làm ngay sau khoá học. Vào công ty là làm được việc luôn vì những kỹ năng cần thiết cho đặc thù công việc đã được đào tạo trước đó”.

Đa số các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn TP.Sông Công (Thái Nguyên) có thiết lập mối quan hệ, ký kết hợp tác cung ứng nhân lực với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để sinh viên vừa học tập vừa thực tập tốt nghiệp. Đồng thời đáp ứng số lượng và chất lượng nhân lực theo yêu cầu của các doanh nghiệp ở những ngành nghề đào tạo.

Bắt kịp đào tạo những ngành nghề xã hội cần

Nhận định về vấn đề này, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) - cho rằng, dịch bệnh đang được kiểm soát tốt nên trong nửa cuối năm 2022 nhu cầu lao động cho sản xuất kinh doanh sẽ gia tăng, đặc biệt là những nhóm ngành nghề đòi hỏi lao động qua đào tạo, lao động chất lượng cao.

Theo ông Trung, ngay từ bây giờ cả người lao động và doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận những cơ hội.

Người lao động cần trau dồi tay nghề, trang bị tốt kỹ năng nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng. Còn doanh nghiệp nên tích cực phối hợp với các cơ sở dạy nghề đào tạo và đặt hàng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực có tay nghề từ sớm để không bị động.

Vì vậy, những lao động trẻ cần tận dụng cơ hội của mình, nâng cao trình độ để giữ chỗ hay thăng tiến trong nghề, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Trong khi đó, từ góc độ xã hội, ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội - nhìn nhận: “Muốn giải quyết được bài toán thất nghiệp, các nhà trường và các cơ sở đào tạo nghề phải có sự liên kết chặt chẽ, đào tạo nghề cần gắn với nhu cầu của thị trường lao động. Hiệu quả nhất vẫn là đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp để đảm bảo sinh viên khi ra trường sẽ có việc làm”.

Do đó, theo ông Lợi, trong thời điểm cạnh tranh về nguồn nhân lực chất lượng như hiện nay, trường nào biết lựa chọn đúng ngành nghề mà nhu cầu xã hội đang cần sẽ khẳng định được vị trí của mình. Thay vì đào tạo những gì nhà trường có, các nhà trường nên bắt kịp đào tạo những ngành nghề xã hội cần.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn