MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã làm việc với trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Lan Nhi

Đào tạo nhân lực báo chí, truyền thông phải linh hoạt, đổi mới

Thu Giang LDO | 19/10/2023 19:12

Chiều 19.10, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - làm việc với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhằm kiểm tra, đánh giá hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực báo chí, truyền thông và xuất bản.

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, hội nghị Trung ương 8 vừa qua cũng có nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục bồi dưỡng đội ngũ trí thức, đội ngũ làm báo chí, truyền thông, sự quan tâm đặc biệt với hệ thống giáo dục đào tạo.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) là ngôi trường có bề dày truyền thống, có thành tích nổi bật trong lĩnh vực đào tạo các bộ môn lịch sử, văn hóa, con người, báo chí, truyền thông, xuất bản.

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, trong thời gian tới, nhà trường, cơ quan báo chí cần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo, đội ngũ quản lý, phóng viên làm công tác báo chí và truyền thông.

Ngoài ra, cần xây dựng một khung chương trình đào tạo báo chí thống nhất, chọn được người ưu tú, hạn chế đào tạo dàn trải khiến chất lượng nhân lực báo chí không đồng bộ. Từ đó, có cơ chế, nguồn lực để đào tạo đội ngũ, nhân lực những người làm báo chất lượng, linh hoạt trong thời kỳ mới.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lan Nhi

Tại buổi làm việc, ông Hoàng Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) - thông tin, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn là thành viên nòng cốt của Đại học Quốc gia Hà Nội, là một trong những trung tâm giáo dục đại học và sau đại học đa ngành, chất lượng hàng đầu cả nước.

Đáng chú ý, trong lĩnh vực báo chí, truyền thông và xuất bản, nhà trường luôn quan tâm, trang bị cho người học một phông kiến thức vừa chuyên sâu vừa tổng hợp, đảm bảo đầy đủ các phẩm chất về chuyên môn, đạo đức cho người học.

Bên cạnh các chương trình đào tạo ngắn hạn, nhà trường cũng đang thúc đẩy hợp tác, phát triển, bồi dưỡng, tổ chức các buổi trao đổi nghiệp vụ với các đơn vị trong và ngoài nước.

Đề cập đến những khó khăn trong công tác đào tạo nhân lực báo chí truyền thông, xuất bản, ông Lê Quốc Minh - Tổng biên Tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - cho rằng, số điểm tuyển sinh đầu vào chưa phải là yếu tố quan trọng để đánh giá chất lượng nguồn nhân lực báo chí, truyền thông.

Ông Lê Quốc Minh phân tích, lĩnh vực báo chí, truyền thông, xuất bản đang thay đổi rất nhiều, các trường học, cơ sở đào tạo nên tăng giờ thực hành, rèn rũa sinh viên ngay từ khi còn trên nhà trường.

Hiện nay, lĩnh vực báo chí, truyền thông đang cần một đội ngũ, nguồn nhân lực có kỹ năng sử dụng công nghệ thành thạo, giỏi nghiệp vụ nhưng cũng phải nhanh nhạy nắm bắt với những đổi mới.

Tại buổi làm việc, nhiều chuyên gia cũng góp ý, các cơ sở đào tạo báo chí, truyền thông, xuất bản cần tăng giờ thực hành vì số lượng sinh viên thực tập ở các cơ quan báo chí còn mang tính hình thức rất cao, chưa đi vào thực chất.

Ngoài ra, các cơ sở đào tạo báo chí, truyền thông, xuất bản cần chú trọng đến nội dung đạo đức nghề nghiệp, tính chủ động của người học, tiếp tục đổi mới sáng tạo trong phương pháp dạy và học để thu hẹp khoảng cách trên giảng đường và thực tiễn ở các cơ sở giáo dục trọng điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn