MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bốc xúc đất đá thải mỏ tại bãi thải Nam Tràng Bạch (phường Hoàng Quế, TX Đông Triều). Ảnh: Đoàn Hưng

Đất đá thải mỏ được sử dụng hiệu quả tại Quảng Ninh

Đoàn Hưng LDO | 19/06/2023 06:10

Như Báo Lao Động đã phản ánh, để gỡ khó cho các đơn vị thi công trong giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ, cuối tháng 5 vừa qua, thị xã Đông Triều đã tiến hành tái khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ ở bãi thải Nam Tràng Bạch (phường Hoàng Quế, thị xã Đông Triều) vào các dự án xây dựng trên địa bàn. Đây được xem như một cách làm để địa phương hiện thực hóa mô hình kinh tế tuần hoàn mà Quảng Ninh đang tích cực triển khai thời gian qua.

Bãi thải Nam Tràng Bạch nằm trên địa bàn phường Hoàng Quế, thị xã Đông Triều, thuộc quản lý của Tổng Công ty Đông Bắc. Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh, bãi thải này có khả năng cung cấp 4,6 triệu m3  đất đá cho các công trình xây dựng trên địa bàn. Con số này sẽ giúp lấp đầy sự thiếu hụt về nguồn vật liệu san lấp cho các công trình trọng điểm của thị xã đã diễn ra suốt thời gian qua.

Hiện theo đơn giá do Sở Xây dựng Quảng Ninh công bố, 1 khối đất đá thải mỏ tại bãi thải Nam Tràng Bạch được tính là 42.358 đồng. Đơn vị duy nhất vận chuyển khối lượng đất đá tại bãi thải mỏ này là Công ty TNHH Thương mại S&Đ.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Đặng Văn Duy - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại S&Đ - cho biết: “Sau khi được chính quyền các cấp cho phép, công ty đã huy động 100 xe ô tô tải cho phương án thu hồi và sử dụng, đất đá thải mỏ. Hiện tại chỉ có khoảng trên 20 xe đang thực hiện vận tải cho 6 dự án. Các xe đều được gắn các thiết bị hành trình, phủ bạt để tránh rơi vãi đất đá trong quá trình vận chuyển".

"Tại các ngã rẽ giao thông, đơn vị bố trí lực lượng cảnh báo an toàn; bố trí công nhân quét dọn vệ sinh môi trường và đầu tư hệ thống rửa lốp xe trên khai trường trước khi xe ra các tuyến đường giao thông, hạn chế gây ô nhiễm môi trường”- ông Duy nói.

Đã có 6 dự án đầu tư công tại Đông Triều sử dụng nguồn đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp nền đất yếu. Ảnh: Đoàn Hưng

 Sau gần một tháng triển khai trong thực tế, việc tái khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ đã giúp nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tháo gỡ điểm nghẽn trong giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án, thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, giúp tăng thu ngân sách.

Về lâu dài, việc này không chỉ giảm thiểu tác động tới môi trường, cảnh quan, giảm áp lực cho các bãi thải mỏ mà còn tận dụng đất đá thải làm nguồn vật liệu san lấp lâu dài cho các dự án, phù hợp với chủ trương phát triển xanh của tỉnh Quảng Ninh.

Đơn cử như Dự án Khu tái định cư phục vụ dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều (giai đoạn 1) phường Yên Thọ. Dự án được khởi công giữa tháng 9.2022, tổng mức đầu tư hơn 58 tỉ đồng. Giai đoạn 1 của dự án quy mô rộng hơn 3,2ha đầu tư xây dựng hạng mục chính, như: San nền, kè, đường giao thông, cấp thoát nước, cây xanh, điện...

Tuy nhiên, máy móc, thiết bị, nhân lực đã phải tạm dừng thi công hơn 3 tháng đợi nguồn đất san nền thay thế. Chính vì vậy, khi chủ trương sử dụng đất đá thải mỏ được thông qua đã giúp đơn vị tìm được hướng giải quyết nhanh chóng, đảm bảo tiến độ thi công.

Ông Nguyễn Đức Hướng – Trưởng phòng Hành chính Kế hoạch Công ty CP Dịch vụ vệ sinh môi trường Đông Khê (đơn vị thi công dự án) - cho biết: “Cuối năm 2022, nguồn đất san lấp thiếu dẫn đến tiến độ công trình chậm so với kế hoạch. Trong khi đó, dự án thi công trên nền đất chân ruộng trũng cần khối lượng đất san nền khoảng 30.000m3. Cuối tháng 5.2023, khi có được nguồn cung cấp đất đá thải mỏ, đơn vị đã huy động tối đa nhân lực với 2 xe lu, 2 xe gạt, 2 máy xúc và trên 30 nhân lực ngày đêm thi công bám đuổi tiến độ quyết tâm hoàn thiện công trình đủ điều kiện để người dân xây nhà cuối tháng 6. Trên thực tế sử dụng đất đá thải mỏ cho nền đất yếu là rất tốt và hiệu quả. Nhưng chúng tôi cũng phân loại để làm sao sử dụng lượng đất đá này cho hợp lý”.

Nhiều đơn vị nhà thầu đã huy động tối đa máy móc thiết bị và nhân lực quyết tâm hoàn thành các dự án tái định cư vào cuối tháng 6 để đảm bảo công tác GPMB các công trình trọng điểm. Ảnh: Đoàn Hưng

 Thống kê sơ bộ cho tới nay, đất đá thải mỏ đã được sử dụng san lấp mặt bằng cho 6 dự án trọng điểm của thị xã Đông Triều.  

Trước nhu cầu đột biến về nguồn vật liệu san lấp trong những năm gần đây, đồng thời thực hiện Luật Khoáng sản, từ năm 2019 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các đơn vị ngành than đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, giải quyết một số cơ chế, chính sách cấp phép cho việc sử dụng đất đá thải mỏ, đến nay đã có những kết quả nhất định.

Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất cao với tỉnh Quảng Ninh về chủ trương tăng cường sử dụng đất đá thải mỏ phục vụ nhu cầu san lấp các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xem xét, giải quyết việc khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ cho từng trường hợp cụ thể theo đề nghị của UBND tỉnh.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 4 trường hợp được Bộ đồng ý cho khai thác thu hồi, với tổng khối lượng khoảng 12,4 triệu m3, cụ thể: Bãi thải vỉa 14 cánh tây của Công ty cổ phần than Núi Béo (0,8 triệu m3); Bãi thải Tây Khe Sim - Tây Lộ Trí của Tổng Công ty Đông Bắc (3,5 triệu m3); Bãi thải Suối Lại của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (3,5 triệu m3); Bãi thải Nam Tràng Bạch của Tổng Công ty Đông Bắc (4,6 triệu m3). Khối lượng này đã và đang được khai thác sử dụng hiệu quả phục vụ các công trình xây dựng trên địa bàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn