MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (ảnh do nhân vật cung cấp).

Đặt niềm tin ĐH XIII của Đảng sẽ đem lại một đất nước VN phồn vinh hơn

Việt Văn - Huân Cao - Nam Hiệp (thực hiện) LDO | 28/01/2021 08:12
Tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân luôn là chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam để quy tụ đồng bào các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Nhân sự kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đang diễn ra tại Hà Nội, các chức sắc tôn giáo đã chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động những suy nghĩ và kỳ vọng ở Đại hội lần này.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Hoằng Pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội: Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc

Đạo Phật ở Việt Nam cũng như các tôn giáo khác, được sống và hành đạo theo tinh thần Hiến pháp 2013 và Luật Tín ngưỡng tôn giáo đã quy định. Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan ban ngành hữu trách đều tạo điều kiện giúp đỡ cho các tôn giáo được hoạt động bình đẳng trước pháp luật. Phật giáo là một tôn giáo lâu đời tại Việt Nam, có cơ sở thờ tự phục vụ tín ngưỡng cùng với số lượng chức sắc và tín đồ Phật tử đông. Nhưng Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc. Theo chúng tôi nhận xét, Phật giáo Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ “Đạo Pháp - Dân Tộc - Chủ Nghĩa Xã Hội”, luôn luôn được tạo điều kiện thuận lợi, không có gì bị cản trở đối với luật tín ngưỡng tôn giáo đang được thực thi.

Phật giáo Việt Nam với phương châm hoạt động “Đạo Pháp - Dân Tộc - Chủ Nghĩa Xã Hội”, do đó Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động trong trách nhiệm của người tu sĩ và luôn lấy trọng tâm “Hộ quốc an dân” làm trọng yếu. Phật giáo luôn đồng hành cùng nhân dân thực thi pháp luật, cùng nhân dân xây dựng bảo vệ đất nước. Nhất là trong công tác từ thiện, an sinh xã hội thì Phật giáo là một tôn giáo có nhiều hoạt động tích cực nhất, mang lại hạnh phúc bình an cho mọi người. Đó là nét căn bản của Phật giáo Việt Nam đã được thể hiện qua các báo cáo.

Tôi lấy ví dụ như năm 2020, thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, cũng như của các cơ quan hữu trách, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thực hiện các nghi lễ của Phật giáo theo tinh thần giãn cách xã hội, mọi hoạt động tập trung đông người đều hoãn hủy. Đặc biệt, theo lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đóng góp hàng nghìn tỉ đồng trong việc chung tay cùng cả nước chống dịch.

Tháng 10.2020, bão lũ đã gây tổn hại nặng nề tới đồng bào miền Trung, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng là một tôn giáo đi đầu trong việc hoạt động từ thiện, mang lại niềm vui an lạc cho nhân dân, sẻ chia tinh thần với những người gặp khó khăn, góp phần vào công cuộc an sinh xã hội với Đảng và Chính phủ. Đó là những nét nổi bật về an sinh xã hội, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam.

Hòa thượng Thích Huệ Thông - Phó Tổng Thư ký, kiêm Chánh văn phòng II Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Đặt niềm tin Đại hội XIII sẽ đem lại một đất nước Việt Nam phồn vinh hơn

Có thể nói Phật giáo Việt Nam kể từ khi có mặt trên mảnh đất Việt Nam thân yêu này thì đường lối, chủ trương luôn đồng hành với dân tộc Việt Nam. Sự đồng hành đấy thể hiện từ cuộc sống đến tư tưởng văn hóa được gắn kết và hài hòa với dân tộc. Phật giáo được dân tộc Việt Nam yêu thương đùm bọc nên trong suốt chặng đường phát triển của Phật giáo Việt Nam luôn có sự đồng hành, đoàn kết của dân tộc. Đặc biệt, sự đồng hành và đoàn kết này được phát triển mạnh mẽ trong thời đại Hồ Chí Minh, thời đại đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng thì Phật giáo càng thể hiện hơn vai trò trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong hội nhập và phát triển. Không chỉ phát triển trong nước mà còn trên trường quốc tế, khi Phật giáo Việt Nam 3 lần đăng cai Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc thành công.

Chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân đã giúp cho Phật giáo nói riêng, các tôn giáo nói chung có một niềm tin rất vững chắc. Từ niềm tin này đã tạo cho Phật giáo sự ổn định để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp của đất nước, rồi ổn định trong việc tu hành, xây dựng các cơ sở tôn giáo trong đời sống chung hòa cùng sự phát triển dân tộc.

Trong thực tế đời sống, chúng ta thấy rất rõ sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với đời sống tâm linh, đời sống văn hóa của người Việt Nam, nhất là luôn tôn trọng và ủng hộ các tôn giáo, trong đó có Phật giáo. Trong cương lĩnh hoạt động của Đảng, chúng ta thấy Đảng đã xem tín ngưỡng tôn giáo là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Việt Nam và là động lực để phát triển ổn định của đất nước. Đây chính là phương hướng và tạo thành một sức mạnh tâm linh lớn để những người có tôn giáo ở Việt Nam luôn hướng về Đảng, đồng hành với Đảng, cùng với Đảng để xây dựng một đất nước văn minh và hòa nhập thế giới.

Có thể nói rằng Đại hội lần này đã nêu bật lên cái trí tuệ, bản lĩnh của Đảng. Trí tuệ được thể hiện qua việc ổn định về nhân sự, tập trung toàn lực về sự đổi mới của kinh tế, đưa đất nước Việt Nam hội nhập và phát triển đi lên. Đây là những chủ đề chung quanh mà bản thân chúng tôi rất vui mừng, rất phấn khởi, rất hy vọng Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ có những chuyển biến lớn.

Là một người dân Việt Nam, là một tu sĩ của Phật giáo Việt Nam, tôi luôn đặt niềm tin vào Đại hội XIII sẽ đem lại một đất nước Việt Nam phồn vinh hơn. Đạo Phật luôn vững chắc niềm tin tôn giáo, để tiếp tục đóng góp công sức vào sự nghiệp chung của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn