MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ấn phẩm “Khe Sanh - nửa thế kỷ hòa bình” được đông đảo bạn đọc đánh giá cao về cả hình thức và nội dung. Ảnh: THANH SONG

Dấu ấn sắc nét của trí tuệ, tâm huyết

LÂM CHÍ CÔNG LDO | 14/08/2018 15:00
Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Khe Sanh (9.7.1968 - 9.7.2018), Báo Lao Động đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) tổ chức cuộc thi viết “Bút ký - Phóng sự nhân 50 năm Chiến thắng Khe Sanh”. 

Cuộc thi kết thúc thành công trên cả… mong đợi, đã để lại nhiều dư âm tốt đẹp trong đông đảo nhân dân và bạn đọc, bạn viết nhiều nơi.

Cuộc thi bắt đầu từ ngày 15.3 đến ngày 20.6.2018, đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các nhà báo, văn nghệ sĩ, các tầng lớp nhân dân, với nhiều độ tuổi khác nhau. Con số gần 150 tác phẩm tham gia cuộc thi của các tác giả từ mọi miền đất nước, trong đó có 50 tác phẩm lọt vào vòng sơ khảo, chung khảo và đã được xuất bản trên Báo Lao Động điện tử cho thấy việc tổ chức cuộc thi đã chạm trúng một mảng đề tài được quan tâm, hay nói cách khác là “từ khóa” Khe Sanh viết hoa vốn đã được “quốc tế hóa” hơn nửa thế kỷ qua vẫn chưa hết thời sự.

Ông Hồ Đại Nam - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị (phải ảnh) trao Giải Nhất cho nhà báo Lâm Hưng Thơ (Báo Lao Động). Ảnh: TRẦN TUẤN

 Các tác giả đến từ nhiều địa phương trên cả nước, nhưng nhiều nhất vẫn là những người đã sinh ra và lớn lên, gắn bó với mảnh đất Khe Sanh - Hướng Hóa - Quảng Trị. Thành phần dự thi đa dạng, bao gồm các cây bút chuyên nghiệp như phóng viên, văn nghệ sĩ, và cả những cây bút không chuyên như cựu chiến binh, giáo viên, công chức, bác sĩ.... trong đó có những người đã từng cầm súng chiến đấu tại chiến trường Khe Sanh, những người đã đổ máu, đổ mồ hôi, công sức để xây dựng mảnh đất này từ 50 năm qua.

Từ niềm tự hào về chiến thắng Khe Sanh và tình yêu với mảnh đất, con người nơi đây, các tác giả đã bám sát chủ đề cuộc thi, triển khai các đề tài phong phú, đa dạng, dày công nghiên cứu tài liệu, gặp gỡ nhân chứng, khảo sát thực tế để có những trang viết sinh động, hấp dẫn, tái hiện chân thực quá khứ chiến tranh cũng như mang đậm hơi thở cuộc sống đương đại.   

 Các phóng sự - bút ký đã giới thiệu với độc giả gương mặt và ký ức của các tướng lĩnh, sĩ quan, quân nhân, những người đã trực tiếp cầm súng trên chiến trường Khe Sanh đạn lửa: Đó là Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Nhương trong phóng sự “Về một người anh hùng của trận đánh Khe Sanh” của Nguyễn Ngọc Diễm; Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy trong “Cuộc đối thoại thú vị của hai vị tướng ở hai chiến tuyến” của tác giả Bùi Minh Tuệ; đại úy Hồ Văn Xang trong “Người trở về từ chảo lửa Khe Sanh” của hai tác giả Quang Đại và Công Sang; đại úy Lê Trọng Vớt trong “Khe Sanh - những mùa 20 tuổi” của tác giả Lê Thị Hiệp... 

 Đậm nét hơn cả vẫn là những trang bút ký, ghi chép tập trung phản ánh quá trình hồi sinh của mảnh đất Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị sau chiến tranh. Từ trong bộn bề gian khổ, khó khăn, bằng ý chí, nghị lực và sức sáng tạo vô tận, các thế hệ lãnh đạo, chiến sĩ và nhân dân Hướng Hóa đã đem lại sức sống mới cho mảnh đất này.

Từ chiến trường bị cày nát bởi đạn bom và trong lòng đất còn hàng vạn bom mìn, vật liệu nổ, bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và cả máu đã đổ xuống, để có một Khe Sanh - Lao Bảo - Hướng Hóa hiện đại, khang trang, cuộc sống người dân được nâng cao như hôm nay.

Trong quá trình đó, đã xuất hiện những tấm gương bình dị và cao quý, giàu đức hy sinh, kiên cường, quả cảm và sáng tạo. Đó là người mẹ Pa Cô Hồ Thị Vôi (sinh năm 1964, trú ở bản Tăng Cô, xã A Túc, huyện Hướng Hóa) trong phóng sự “Người mẹ Pa Cô ươm “mầm xanh” trên “chảo lửa” của tác giả Trần Lưu.

Mẹ Vôi (còn gọi là Kăn Linh) dù hoàn cảnh cực kỳ khó khăn đã dang tay nuôi nấng hàng chục đứa trẻ mồ côi, hiến đất cho địa phương xây trụ sở, trường học. Đó là nữ bác sĩ Hàn Thị Lê Vân trong bút ký tự thuật “Nữ bác sĩ bén duyên với thôn bản” đã cống hiến sức trẻ, tuổi thanh xuân vì sức khỏe của đồng bào vùng khó khăn Hướng Hóa.

Đó là các tập thể điển hình tiên tiến như Đoàn Kinh tế quốc phòng 337, Trường Tiểu học Hướng Phùng, Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Bộ đội Biên phòng Quảng Trị, Công ty sản xuất nước sạch MV, Công ty TNHH Đại Lộc... đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống nhân dân, đưa Khe Sanh - Hướng Hóa hội nhập và phát triển, hướng đến tương lai.

 Sự đóng góp rất đáng kể từ cuộc thi này là sự xuất hiện nhiều cây viết có bút lực và nội lực trí tuệ dồi dào, sắc sảo, trí tuệ. Nói như ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - là cuộc thi bút ký - phóng sự của Báo Lao Động về chủ đề 50 năm Chiến thắng Khe Sanh đã có những thành công trên nhiều mặt, nhưng cá nhân ông không bất ngờ và rất tự hào khi danh sách đoạt giải được xướng lên bao gồm những cây bút nổi tiếng cả về trí tuệ, sự sắc sảo, tâm huyết cũng như văn phong cá tính, cô đọng, dí dỏm…

“Tôi theo dõi kỹ các tác phẩm dự thi đăng tải trên Báo Lao Động điện tử và nhận thấy có nhiều trang viết sâu sắc, xúc động, nhiều chi tiết hay, có sức gợi mở, liên tưởng sâu xa, có sức lan tỏa tốt” - Chủ tịch Nguyễn Đức Chính nói.

Các tác giả được trao giải Khuyến khích đều là những cây phóng sự tên tuổi như Trần Đăng (Báo Thanh Niên), Hoàng Văn Minh (Báo Lao Động), Đào Tâm Thanh (Báo Quảng Trị)...  Ảnh: HƯNG THƠ

 Từ những tác phẩm lọt vòng sơ khảo và chung khảo, Báo Lao Động đã chọn lựa và xuất bản ấn phẩm “Khe Sanh - nửa thế kỷ hòa bình” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, tháng 7.2018, sách dày 200 trang, khổ 17,5 x 25,5cm). Ấn phẩm được phát hành rộng rãi đúng vào dịp trọng lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Khe Sanh đã nhận được những tình cảm quý mến, trân trọng của nhiều bạn đọc.

Ông Hồ Đại Nam - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị - bày tỏ sự cảm ơn, trân trọng và nói rằng, tập sách “Khe Sanh - nửa thế kỷ hòa bình” do Báo Lao Động tổ chức thực hiện là một món quà tinh thần rất lớn và ý nghĩa.

“Nội dung các tác phẩm được trao giải cũng như các tác phẩm được tuyển chọn để in trong tập sách đã vượt ra ngoài giới hạn của mảnh đất Khe Sanh - Hướng Hóa. Tôi nghĩ rằng, thành công lớn nhất của cuộc thi do Báo Lao Động tổ chức này là đã huy động, thu hút được rất nhiều cây bút có uy tín, giỏi nghề tham gia, và nhờ vậy đã có nhiều tác phẩm hay, xứng đáng với đòi hỏi cao của công chúng” - ông Hồ Đại Nam chia sẻ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn