MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dấu chân nhà báo trên từng điểm “nóng”

Thảo Anh - Linh Chi LDO | 21/06/2022 12:32

Với những phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại điểm “nóng” đã trở thành sứ mệnh đặc biệt. Dù dịch bệnh hay thiên tai... họ vẫn luôn trong tâm thế sẵn sàng lao vào “tâm bão” để phụng sự bạn đọc.

Phóng viên Vũ Thị Linh Trang - Báo Vietnamnet: Gửi con về quê để tác nghiệp SEA Games 31

SEA Games 31 là sự kiện đặc biệt quan trọng của Việt Nam vào năm 2022, thời điểm nước ta và 10 quốc gia Đông Nam Á khác vừa bước qua đại dịch COVID-19. Kỳ SEA Games trước đó tổ chức tại Việt Nam là vào năm 2003, lúc ấy tôi hẵng chỉ là một cô bé 7 tuổi. Sau gần 20 năm, kỳ SEA Games 31 tổ chức ở nước ta và cũng là lần đầu tiên tôi - một phóng viên nữ trực tiếp tham gia tác nghiệp. 

Từ ngay trước kỳ SEA Games, tôi đã chuẩn bị kỹ từ sức khỏe, trau dồi lại kiến thức thể thao, mang các thiết bị như máy tính cá nhân đi bảo trì... và thậm chí là gửi con về quê để yên tâm tác nghiệp trong sự kiện đặc biệt này. 

Một trong những môn thể thao được quan tâm nhất SEA Game là bóng đá. Trung bình mỗi trận đấu, chúng tôi sẽ thực hiện 2 video trước trận và 4 - 6 video sau trận. Êkíp video chỉ bao gồm 2 người phối hợp: 1 quay phim, 1 biên tập viên phải phối hợp thật ăn ý ở hiện trường và hậu kỳ. Sau các trận bóng đá, tôi thường xuyên phải dựng video đến 1 - 2h đêm để độc giả có thể xem những khoảnh khắc hấp dẫn nhất vào sáng sớm hôm sau. Thời gian căng thẳng nhất là khi cả 2 môn bóng đá bước vào trận bán kết - chung kết.

 Phóng viên Vũ Thị Linh Trang.

Ngày 19.5, sau khi tác nghiệp trận bán kết bóng đá nam ở Việt Trì, Phú Thọ. Tôi trở về Hà Nội lúc 2 giờ đêm. Những ngày sau đó, tôi đều làm việc tới 3 - 4 giờ sáng để kịp hoàn thiện các tin bài về chiến thắng của U.23 Việt Nam và tuyển nữ Việt Nam. Tuy nhiên, niềm vui và tự hào khi đội tuyển nước nhà vô địch khiến ekip đều vô cùng hào hứng và quên đi mệt mỏi. 

Tác nghiệp trong kỳ SEA Games không phải lúc nào cũng chỉ là niềm vui, hạnh phúc vỡ òa. Có những khoảnh khắc, tôi khóc trên bàn dựng khi xem lại hình ảnh vận động viên điền kinh Đinh Thị Bích ngã trên đường chạy sau cú hích của đối thủ, hình ảnh Nguyễn Văn Phương đột ngột ngã xuống sàn đấu khi đang thực hiện thi đấu wushu... Đi tác nghiệp, gặp gỡ và chứng kiến họ thi đấu, tôi mới thấy hết sự vất vả, hi sinh, đánh đổi của VĐV.

Khi kỳ SEA Games kết thúc, thực sự tôi có chút hụt hẫng. Tôi đang cố gắng trau dồi lại vốn ngoại ngữ để có thể trực tiếp tham gia tác nghiệp kỳ SEA Games tiếp theo tại Campuchia nếu có cơ hội.

Phóng viên Trần Đức Duy - Báo Sức khỏe và Đời sống: Những thước phim về “ranh giới” trong tâm dịch TPHCM

2 năm dịch bệnh COVID-19, tôi có 2 chuyến công tác dài ngày vào tâm dịch, những chuyến đi không hẹn trước ngày về. Thời điểm tôi đến Bắc Giang - đó là nơi nhắc đến ai cũng sợ vì là tâm dịch lớn nhất cả nước. Người nhà tôi lo lắng thấp thỏm, tôi lại chỉ mới cưới vợ chưa đầy 2 tháng. Thế nhưng lần đặt chân vào TPHCM tôi mới biết ở Bắc Giang chưa là gì.

Nhắc đến TPHCM người ta nhắc đến thành phố hoa lệ, lộng lẫy nhưng khi tôi đến những con phố lác đác người qua, cảnh vật u ám ảm đạm chỉ còn lại âm thanh ám ảnh của xe cứu thương, đâu đâu cũng là dây giăng và biển khu cách ly. Tôi nghĩ sự ám ảnh không chỉ theo mình một thời gian mà theo suốt cả cuộc đời, là dấu ấn trong cuộc đời làm báo.

 

Trong một lần tác nghiệp tại Trung tâm Hồi sức Tích cực của BV Việt Đức tại TPHCM, tôi trò chuyện cùng một cụ bà hơn 70 tuổi. Khi vừa có người hỏi chuyện cụ bật khóc. Cụ kể hoàn cảnh gia đình chỉ có 2 vợ chồng nương tựa nhau và cả 2 đều mắc COVID-19. Nhưng người chồng bị nặng hơn, đang rơi vào trạng thái mê man nguy kịch bởi có nhiều bệnh lý nền, khả năng sống sót rất thấp. 2 vợ chồng chỉ cách nhau 1 dãy hành lang chưa đầy 2 mét, cách nhau 2 cửa sổ nhưng ngày ngày người vợ chỉ đứng ở cửa sổ mỏi mòn nhìn chồng.

Lúc đó tôi mới thấy ranh giới giữa cái chết và sự sống những tưởng rất xa nhưng cũng rất gần tưởng như không thể nào chạm tới. Trước lúc vào tâm dịch tôi đọc và nghe rất nhiều nhưng khi tận mắt chứng kiến tôi mới thấy có những thứ vượt ngoài tưởng tượng và thật sự có nhiều xúc cảm. Tôi đã cố gắng ghi lại nhiều thước phim quý giá trong tâm dịch. Vì thế ngoài chuyên môn nghiệp vụ thì sự dấn thân là điều không thể thiếu của phóng viên. Nghề báo không phải ai cũng có may mắn được tham gia vào những sự kiện lịch sử. Chính vì vậy khi mình được trở thành một phần sự kiện lịch sử và tái hiện lịch sử đối với tôi là sự vinh dự tự hào không bao giờ quên được!

Nhà báo Duy Văn - Báo Quân đội Nhân dân: Nhà báo “mặc áo lính” và những chuyến tác nghiệp trong tâm dịch 

Nói về tác nghiệp điểm “nóng”, chắc hẳn bất cứ phóng viên, nhà báo nào cũng sẽ nghĩ tới những ngày “chiến đấu” với dịch COVID-19. Tôi nhớ, hoạt động chống dịch đầu tiên tôi tham gia là chuyến trao tặng vật tư y tế cho nước bạn. Sau đó, tôi và đồng nghiệp phải cách ly 14 ngày, cách ly xong chúng tôi tiếp tục đi Bắc Giang rồi lại đi Thành phố Hồ Chí Minh 3 tháng. Tổng cả thời gian cách ly và thời gian chống dịch, xa nhà, xa gia đình trọn vẹn là 6 tháng - nửa năm liên tục.

Khi vào Thành phố Hồ Chí Minh khoảng tầm nửa tháng, một đồng nghiệp của tôi mất vì COVID-19. Khi đó ai cũng bàng hoàng, đau xót và tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn nữa, để bảo vệ bản thân và để làm cả nhiệm vụ mà đồng đội của mình đã không thể tiếp tục thực hiện.

Nhà báo Duy Văn.

Tôi nhớ có một lần khi tác nghiệp ở bệnh viện dã chiến, thay vì những phương tiện cồng kềnh như máy quay, máy ảnh... thì thiết bị chúng tôi mang theo chỉ có thể là điện thoại và một chiếc Gopro. Hiểu rằng việc tác nghiệp của mình có thể ảnh hưởng đến các bác sĩ và các bệnh nhân nên tôi phải tác nghiệp nhanh chóng và khéo léo nhất có thể dù những thiết bị mình mang có thể thu âm và thu hình rất kém. 

Nhưng dù những hình ảnh, âm thanh mình thu được có thế nào tôi và các đồng nghiệp cũng luôn cố gắng truyền tải một cách chân thực nhất sự hi sinh của các y bác sĩ - những người ăn không đủ no, ngủ không đủ giấc để giành giật từng hơi thở cho bệnh nhân.

Tác nghiệp những đợt dịch căng thẳng nhất ở Bắc Giang hay TPHCM, đối với tôi đều là những dấu ấn khó quên trong sự nghiệp nhất là đối với chúng tôi, những nhà báo mặc áo lính. Và tôi nghĩ những điều đặc biệt như vậy có lẽ sẽ còn nhiều lần nữa, bởi chúng ta - các nhà báo sẽ luôn xung phong, không ngại khó khăn để đưa những thông tin chính xác và nhanh chóng nhất đến với mọi người, không quản ngại dù là thiên tai, dịch bệnh hay bão lũ.

Nhà báo Tô Thế - Báo Lao Động: Hoàn thành ước mơ tác nghiệp tại biển đảo Trường Sa

Tác nghiệp tại Trường Sa là ước mơ của tôi ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học. Sau gần 4 năm làm nghề khát khao đó đã được hiện thực hoá. Những ngày đầu tháng 5 năm 2022 thời tiết đang độ giao mùa cũng có không ít biến động nhưng mong muốn được đến thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa - vùng biển, đảo thiêng liêng tuyến đầu Tổ quốc vẫn lớn hơn tất cả. Ở nơi đầu sóng, ngọn gió ấy, có biết bao người con dung cảm đang âm thầm hy sinh hạnh phúc riêng của mình để ngày đêm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Nhà báo Tô Thế.
Ngày 4.5, hơn 200 đại biểu của Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2022 đã lên chuyến tàu mang số hiệu 561 bắt đầu hành trình ra quần đảo Trường Sa. Trong chuyến đi lần này có rất nhiều đại biểu tuổi đời còn rất trẻ. Để phục vụ việc tác nghiệp trong chuyến đi thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa năm 2022, tôi đã mang theo khá nhiều thiết bị như máy quay chuyên dụng, máy ảnh, Gopro, chân máy và cả Flycam.

Thế nhưng ra đến nơi mới vỡ lẽ một mình mang cùng lúc nhiều thiết bị là vô cùng khó khăn. Trong suốt chuyến đi, có hôm tôi chỉ sử dụng 1 máy ảnh và thậm chí là chỉ 1 chiếc Smartphone để tác nghiệp cả ảnh, video. Qua đây tôi nhận ra, việc lựa chọn thiết bị tác nghiệp phù hợp cho từng hoàn cảnh, bối cảnh cụ thể sẽ tác động rất lớn đến quá trình tác nghiệp điện tử và sản phẩm báo chí của phóng viên. Mỗi người đến với Trường Sa đều mang một cảm xúc riêng, nhưng tựu trung đó là niềm vui, niềm tự hào được nhìn thấy biển, đảo quê hương, được cảm nhận bằng trái tim tuổi trẻ về một Trường Sa thân thương, gần gũi. Và tôi đã có một trải nghiệm thật quý giá của tuổi trẻ.

Phóng viên Bùi Toàn - từng là phóng viên Báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh tại Đà Nẵng: Tác nghiệp trận lụt lịch sử năm 2020 là nỗi ám ảnh không thể quên

3 năm bước chân vào nghề báo là 3 năm tôi tác nghiệp ở những vùng có bão, có lũ. Tôi còn nhớ trận lũ miền Trung lịch sử hồi tháng 10.2020, tôi và đồng nghiệp đã không ngần ngại xung phong đi từ Đà Nẵng vào “rốn lũ” miền Trung. Khi đến tác nghiệp ở huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) - nơi bị cô lập xung quanh chỉ có nước mênh mông, tôi chỉ có cách theo chân các đoàn xe tải cứu trợ, nhờ xe, thuyền của lực lượng công an, quân đội vào điểm lấy tin.

Phóng viên Bùi Toàn.

Thú thật, ban đầu trên hành trình về vùng lũ, trong tôi đầu chỉ nơm nớp mình sẽ đến trễ, sẽ chậm trễ lấy tin, sợ thiết bị hư hỏng… Thế nhưng, khi đến nơi, tôi hoàn toàn ngỡ ngàng, quên luôn cả những nỗi sợ nhỏ bé kia. Nhìn những căn nhà nước ngập đến nóc, nghe tiếng kêu hoảng loạn của người dân trong mưa lớn, nhìn gia súc trôi lềnh bềnh, nước ngập mênh mông quá đầu người tôi mới thấy nỗi sợ của mình không là gì so với hiện thực mà những người dân nơi đây đang đối mặt. Mọi thứ lúc ấy chân thực và xúc động đến mức ám ảnh, cho đến tận bây giờ đã hơn một năm trôi qua tôi vẫn không quên được những gì mắt mình đã nhìn và tai mình đã nghe.

Đó là lần thiệt hại nặng nề nhất, còn đương nhiên trận lũ nào cũng đau thương cả. Tác nghiệp lũ buồn lắm, có những nơi không thiệt hại về người nhưng nhìn cảnh người dân thẫn thờ vì mất trắng vườn tược, gia súc cũng khiến mình cũng xót thương cùng họ. 

Được vào “điểm nóng” là cơ hội để có thể trau dồi thêm khả năng khai thác thông tin những cũng từ đó, mình nhận ra bản thân vẫn còn nhiều khuyết điểm để khắc phục và dần hoàn thiện bản thân. Khi theo đuổi nghề báo, ngoài đam mê, điều mà các phóng viên như chúng tôi lấy làm động lực là sự chờ đợi thông tin từ độc giả, sự hỗ trợ của tòa soạn, ban biên tập, đồng nghiệp và động viên từ gia đình. Với phóng viên trẻ như tôi, những trải nghiệm trong quá trình tác nghiệp sẽ là hành trang quý giá trên chặng đường làm báo dài lâu. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn