MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đập Khe Xai ở xã Thạch Xuân, Thạch Hà, Hà Tĩnh nơi có hai học sinh đuối nước tử vong vào chiều 29.3. Ảnh: Mạnh Tuấn

Đầu hè: Báo động trẻ em đuối nước

Minh Anh LDO | 13/04/2024 07:55

Mỗi năm đến hè, thông tin về trẻ em đuối nước lại tăng lên trong khi các biện pháp hạn chế lại chưa cho thấy hiệu quả.

Chiều ngày 10.4, nhóm học sinh Trường THCS Đồng Hóa rủ nhau ra tắm trên sông Gianh, đoạn chảy qua địa phận thôn Đại Sơn, xã Đồng Hóa. Khi đang tắm thì hai nữ sinh T.T.T.M và L.B.Tr (đều sinh năm 2011), trú tại các thôn Đại Sơn và Đồng Phú, xã Đồng Hóa bất ngờ bị đuối nước.

Phát hiện sự việc, một số người bạn trong nhóm chạy lên gọi người lớn đến cứu giúp, nhưng khi mọi người đến nơi thì hai nữ sinh này đã tử vong. Theo thông tin từ địa phương, gia đình hai nữ sinh đều có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ đều đi làm ăn xa, chưa có điều kiện ở gần để dạy dỗ và quản lý con cái.

Trước đó vài ngày, hôm 8.4, tại Gia Lai, một học sinh trường THCS Phan Bội Châu (xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa, Gia Lai) trượt chân đuối nước tử vong.

Đáng chú ý, theo thống kê của UBND tỉnh Gia Lai, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 12 trẻ bị đuối nước tử vong; năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 55 vụ đuối nước khiến 69 trẻ tử vong (tăng 15% so với năm trước); trong số này có 45 trường hợp là trẻ em người dân tộc thiểu số. Các địa phương có số trẻ tử vong do đuối nước đáng lo ngại gồm: Kbang (7 vụ, 9 em tử vong), Chư Păh (7 vụ, 8 em), Krông Pa (5 vụ, 8 em), Đắk Đoa (6 vụ, 7 em), Ia Grai (5 vụ, 7 em)…
Còn nhiều bản tin tương tự dù mới đầu hè.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến con số đau lòng này. Ngoài yếu tố tai nạn, nơi xảy ra vụ việc không có biển báo thì thiếu kỹ năng, không biết bơi là nguyên nhân lớn nhất.

Nhiều năm nay, Bộ GDĐT đã cố gắng để phát triển môn bơi học đường, vừa rèn luyện thể chất, vừa hạn chế đuối nước cho học sinh. Thế nhưng báo cáo từ bộ này cho biết, tổng số bể bơi trong trường học là 2.184 bể/25.307 trường, chiếm tỉ lệ 8,63% trường học có bể bơi. Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2015-2020, trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước.

Khác với các môn thể dục khác, đầu tư một bể bơi trong trường học cần kinh phí khá lớn, ngoài ra còn phải duy trì, bảo dưỡng, thay nước… Đây cũng là lý do khiến nhiều trường còn ngần ngại.

Ông Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho biết: “Nhiều bể bơi xuống cấp, chất lượng nguồn nước chưa đảm bảo, không có kinh phí, nhân viên đủ năng lực vận hành bể. Ở nhiều nơi, nhu cầu đầu tư xây dựng hồ bơi trong trường học là rất lớn nhưng nguồn kinh phí đầu tư rất hạn chế.

Trong khi đó, cơ chế kêu gọi xã hội hóa đầu tư hồ bơi trong trường học chưa rõ ràng, một số trường không đủ diện tích đất để hồ bơi. Việc quy định mức thu xã hội hóa khi tổ chức dạy bơi trong trường học chưa thực hiện đồng bộ ở hầu hết các địa phương…”.

Cơ chế chính sách để hỗ trợ ngành giáo dục xây dựng bể bơi, đưa môn bơi là môn bắt buộc là điều cần thiết. Đây sẽ là cơ sở để giảm tỉ lệ học sinh đuối nước và mỗi khi mùa hè đến, phụ huynh lại cứ phải canh cánh nỗi lo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn