MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dấu hiệu trốn thuế của hàng loạt công ty kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ du lịch

Nhóm Phóng Viên Thời Sự LDO | 11/07/2023 06:15

Tiếp tục tìm hiểu, phóng viên nhận thấy, các công ty kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ du lịch (sở hữu kỳ nghỉ) tại Việt Nam như: TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường (Alma), Công ty TNHH Holidays Việt Nam, Công ty TNHH Oh Vacation không chỉ có dấu hiệu lừa đảo mà còn có biểu hiện trốn thuế.

* Những bi kịch cuộc đời vì trót ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ du lịch
* Bên trong "lò" đào tạo nhân viên tư vấn kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ du lịch

Không xuất hoặc chậm xuất hàng loạt hoá đơn

Bà Nguyễn Thị Minh Lê (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, ngày 28.9.2014, bà ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ với Alma nhưng không được xuất hóa đơn. Bà Lê chỉ được cung cấp một phiếu thu hơn 38 triệu đồng và tờ xác nhận tiến độ thanh toán hơn 154 triệu đồng.

Ngày 21.9.2019, bà Lê mua tiếp một hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ với Alma, đã đóng hơn 117 triệu đồng, nhưng cũng chỉ có phiếu thu 52 triệu đồng, không có hóa đơn.

Ngày 30.9.2022, bà Lê tiếp tục đóng gần 65 triệu đồng tiền cọc để ký một hợp đồng mới với Alma và cũng không có hóa đơn.

Trường hợp tương tự là bà Lê Thị Phương Mai (quận 1,TPHCM) ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ với Alma vào ngày 30.04.2016 và đã đóng gần 248 triệu đồng (gồm 3 đợt) cho công ty này.

Các chủ sở hữu đang rà soát lại hóa đơn trong các giao dịch với Alma và phát hiện thiếu, lệch rất nhiều so với số tiền họ đóng. Ảnh: PV Lao Động

Phía Alma xuất 5 hóa đơn cho bà Mai nhưng số tiền trong mỗi hóa đơn lại không trùng khớp với số tiền bà đã đóng từng đợt và tổng các hóa đơn xuất cho bà này bị thiếu gần 139 triệu đồng so với số tiền bà đã đóng.

Bà thắc mắc nhưng không được Alma trả lời, chỉ hướng dẫn bà tra cứu các hóa đơn trên phần mềm quản lý https://alma.vnpt-invoice.com.vn. Sau khi tra cứu các hóa đơn trên theo hướng dẫn thì bà cũng không thấy có các hóa đơn liên quan về số tiền đặt cọc đã đóng.

Hay như trường hợp bà Đinh Thị Dung (huyện Hoài Đức, Hà Nội), năm 2016, bà Dung đóng 377 triệu đồng để ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ với Alma.

Tháng 7.2022, bà nộp thêm 320 triệu đồng để nâng cấp kỳ nghỉ. Trong tháng 4 vừa qua, bà Dung cũng 3 lần chuyển tiền với tổng số tiền 240 triệu đồng vào tài khoản của Alma để thực hiện các giao dịch liên quan đến kỳ nghỉ. Tuy vậy, tất cả đều không được xuất hóa đơn.

Phóng viên đã thực hiện khảo sát ở một nhóm các chủ sở hữu có phát sinh giao dịch liên quan đến hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ với Alma từ 2013 đến nay. Trong đó có 81 chủ sở hữu chưa được Alma gửi hóa đơn và 25 chủ sở hữu chưa được công ty này gửi hóa đơn đầy đủ trong các giao dịch như: các khoản thu tiền đặt cọc hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, thanh toán đầy đủ hợp đồng và phí duy trì hàng năm.

Dấu hiệu trốn thuế tương tự diễn ra tại công ty TNHH Holidays Việt Nam và công ty TNHH Oh Vacation.

Ông T (quận 7, TPHCM) cho biết, ngày 4.2.2023, ông đã đặt cọc 58,5 triệu đồng cho 30% giá trị hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ với Holidays Việt Nam nhưng không được xuất hóa đơn.

Ngày 15.2, ông T gửi email đến địa chỉ contact@holidaysvietnam.vn, hộp thư điện tử chính thức của Holidays Vietnam yêu cầu công ty này cung cấp hóa đơn chuyển tiền đặt cọc nhưng đến nay, sau hơn 4 tháng ông T vẫn không được công ty này phản hồi.

Ngày 22.11.2022, bà Ngô Thuý Trầm (quận Tây Hồ, Hà Nội) đóng 195 triệu đồng để ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ với Holidays Vietnam nhưng đến nay, mặc dù đã yêu cầu nhưng không được công ty này trả lời và cung cấp hóa đơn điện tử.

Ông Hoàng Kim Cát thực hiện giao dịch từ tháng 4.2019 nhưng đến tháng 10.2022 mới được công ty Oh Vacation xuất hoá đơn qua email. Ảnh: PV Lao Động

Nhiều trường hợp khác là khách hàng của công ty TNHH Oh Vacation như ông Mai Thành Phương (quận Đống Đa, Hà Nội), bà Phạm Bích Thủy (quận Đống Đa, Hà Nội), bà Trần Thị Hằng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã đóng cho công ty này số tiền hàng trăm triệu đồng, thời gian đóng cách đây từ 1 đến vài năm nhưng đến nay cũng chưa được công ty xuất hoá đơn.

Một số trường hợp khác thì phản ánh, bị công ty Oh Vacation chậm xuất hoá đơn và chỉ xuất khi đề nghị nhiều lần.

Bà Vân Dung (quận Ba Đình Hà Nội) cho biết, ngày 25.7.2021, bà đóng 150 triệu đồng cho Công ty Oh Vacation để ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ nhưng công ty này không xuất hoá đơn cho bà.

Hơn 1 năm sau, bà Dung lên công ty yêu cầu cung cấp hóa đơn thì mới được cung cấp vào ngày 29.9.2022.

Anh Đ.H.L (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, vào tháng 8.2019, tháng 11.2021 và tháng 4.2022 có đóng tiền ba lần, tổng cộng gần 300 triệu đồng cho công ty Oh Vacation. Tuy vậy, sau rất nhiều lần yêu cầu đến tháng 9.2022, phía công ty Oh Vacation mới xuất 3 hoá đơn trên qua email cho anh L.

Một số chủ sở hữu kỳ nghỉ cho biết, có những người được công ty Oh Vacation cung cấp hóa đơn qua email nhưng khi tra cứu trên webiste http://tracuuhoadon.gdt.gov.vn/main.html của Tổng Cục thuế thì phát hiện hóa đơn chưa được sử dụng. Các chủ sở hữu nghi ngờ Oh Vacation có gian lận về thuế và đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra.

Dấu hiệu trốn thuế, có thể xử lý hình sự

Trong diễn biến mới nhất, ngày 29.6 vừa qua, nhiều người đã nộp đơn tố cáo lên Chi cục Thuế quận Cầu Giấy yêu cầu đơn vị này xem xét tiến hành thanh tra, kiểm tra để có biện pháp xử lý sớm để tránh thất thoát thuế cho Nhà nước.

Luật sư Nguyễn Tiến Tuấn, đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, hành vi không xuất hóa đơn hoặc xuất hóa đơn chậm có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cụ thể là hành vi trốn thuế.

Theo luật sư Tuấn, khi ký hợp đồng cung cấp dịch vụ và nhận tiền thì công ty phải xuất hóa đơn ngay tại thời điểm nhận tiền của khách hàng. Hóa đơn điện tử cũng được áp dụng toàn quốc từ 1.7.2022 để tránh việc trốn thuế. Hóa đơn điện tử có giờ, có ngày cụ thể nên không thể làm khống như hóa đơn giấy.

Luật sư Nguyễn Tiến Tuấn. Ảnh: PV Lao Động

Cũng theo luật sư Tuấn, theo điều 143, Luật Quản lý thuế năm 2019, nếu không kê khai đúng quy định của Luật Quản lý thuế là hành vi trốn thuế. Tùy vào mức độ vi phạm của công ty mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi 2017. Mức trốn thuế gây thiệt hại cho nhà nước từ 100 triệu đồng trở lên là đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự.

Dựa trên đơn tố giác tội phạm của người dân, cơ quan công an cấp quận (huyện) hoặc cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính của công ty có dấu hiệu trốn thuế có quyền kiểm tra, xác minh thông tin của người dân tố giác. Cơ quan thuế sau khi nhận đơn tố cáo của người dân có quyền thanh tra, kiểm tra dấu hiệu trốn thuế của công ty bị tố cáo - luật sư Tuấn nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn