MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiếp xúc trực tiếp với bùn đất sẽ có nguy cơ cao nhiễm vi khuẩn Whitmore. Ảnh: Supplied.

Đau lòng gia đình ở Sóc Sơn mất 3 con, 2 bé tử vong do vi khuẩn Whitmore

Thảo Anh - Thuỳ Linh LDO | 18/11/2019 12:11
Một cặp vợ chồng ở Đô Lương, Bắc Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội mất đi 3 đứa con trong vòng 7 tháng (từ tháng 4.2019 đến nay), trong đó 2 bé tử vong do vi khuẩn Whitmore.

Câu chuyện đau lòng này diễn ra ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Nỗi đau chồng chất khi gia đình nhỏ hạnh phúc của anh Trần V. C và chị Trần Thị N. Q lần lượt mất đi 3 đứa con thơ. Đó là con gái đầu Trần Q. T. (sinh năm 2012) và hai bé trai là Trần C. V. (sinh năm 2014) và Trần Q. H. (sinh năm 2018). 

Ngày 12.11, Trung tâm Y tế Sóc Sơn (Hà Nội) cung cấp thông tin, cháu bé Trần Công Vinh (2014) Xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn nhập bệnh viện Nhi Trung ương ngày 28.10.2019 và đến ngày 31.10 thì tử vong.

Theo lời kể của ông nội bệnh nhân, trước ngày vào viện 1 ngày, bệnh nhân xuất hiện sốt 38,5 độ C kèm theo đau bụng và gia đình không điều trị gì. Đến 5h chiều ngày 28.10, bệnh nhân được gia đình đưa đến bệnh viện Nhi Trung ương khám và điều trị. Đến 21h ngày 31.10, bệnh nhi đã tử vong tại bệnh viện này với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn huyết.

Bệnh nhân được lấy máu xét nghiệm ngày 30.10 và đến ngày 1.11 thì có kết quả nuôi cấy dương tính với loai vi sinh vật Burkholderiapseudomallei (còn có tên gọi là Whitmore). Tiền sử bệnh nhi cho thấy cháu khỏe mạnh, không mắc các loại bệnh mạn tính.

 Vi khuẩn Whitmore. Ảnh: bachmai.gov.

Nỗi đau chưa nguôi ngoai, em trai cháu bé xấu số nói trên (sinh năm 2018) được phát hiện sốt hôm 10.11. Ngày hôm sau, gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn rồi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn, sau đó là bệnh viện Nhi Trung ương.

Đau xót hơn, theo thông tin mới nhất từ Bệnh viện Nhi Trung ương, cháu bé này cũng đã tử vong tại bệnh viện sau 5 ngày điều trị tích cực. Kết quả xét nghiệm cho thấy cháu bé này cũng nhiễm vi khuẩn Whitmore.

Đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay bệnh viện đang phối hợp với Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội tiến hành khảo sát dịch tễ về căn bệnh trên để có những phương án tốt nhất bảo vệ sức khoẻ người dân.

Đáng nói, hai cháu bé vừa tử vong nói trên có chị gái (sinh năm 2012) đã mất do nhiễm khuẩn huyết hoại tử đường ruột cách đây không lâu (tháng 4.2019).

Về sự mất mát này, theo lời kể của ông nội, cháu gái xuất hiện sốt ngày 6.4.2019 sau khi điều trị không thuyên chuyển thì đưa đến bệnh viện Xanh Pôn. Tại đây, trẻ được chẩn đoán nhiễm khuẩn đường huyết hoại tử đường ruột. Cháu gái tử vong lúc 7h sáng ngày 9.4.

Kết quả điều tra tại gia đình các cháu bé nói trên cho thấy, gia đình có 7 người, trong đó bố mẹ của các cháu đều là công nhân, còn ông bà làm nông nghiệp và đều khỏe mạnh, không có dấu hiệu mắc loại vi khuẩn nguy hiểm này.

Cơ quan chức năng địa phương cũng đã điều tra tại các hộ gia đình xung quanh nhà bệnh nhân nhưng chưa phát hiện thêm trường hợp nghi nghi mắc bệnh tương tự.

Nhận định về tình hình dịch bệnh tại địa phương, Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn cho hay bệnh lây truyền chủ yêú qua đường tiếp xúc trực tiếp với vết thuơng hở, số ít có thể lây qua đường ho hấp, tiêu hoá. Các nguy cơ lây lan bùng phát thành dịch tại địa phương này là không cao.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh Melioidosis (Whitmore) do trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei tồn tại trong môi trường tự nhiên gây ra. Con người có thể mắc bệnh Melioidosis khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bề mặt bị nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei.

Người và động vật có thể nhiễm khuẩn mắc phải do hít phải hạt nước hoặc bụi có nhiễm vi khuẩn, uống nguồn nước nhiễm khuẩn hoặc tiếp xúc trực tiếp với đất nhiễm khuẩn, đặc biệt là qua xây xước nhỏ ngoài da. Bệnh khó lây truyền từ người sang người.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn