MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đau lòng nhìn nhà cửa bị cuốn trôi khi thủy điện xả lũ

Quách Du LDO | 04/09/2018 18:05
Khi nhà máy thủy điện tiến hành xả , cả bản đang yên bình bỗng chốc trở nên náo loạn, từ già đến trẻ rồng rắn chạy lên núi, nhìn ngôi nhà, đồ đạc trôi theo con nước lớn mà đau lòng.

Anh Lê Thế Anh (trú tại bản Co Me, xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, vào đêm 29.7, sau nhiều ngày mưa lũ, nước sông Mã chảy qua địa bàn xã rất mạnh và lớn, tuy nhiên, vẫn chưa nguy hiểm đến các hộ dân sống ven bờ sông.

This browser does not support the video element.

[Video] Anh Lê Thế Anh kể về cơn lũ đã cuốn phăng ngôi nhà của mình.

“Đến ngày 30, sau khi nhà máy thủy điện Trung Sơn tiến hành xả lũ, nước trở nên hung dữ, sóng cuồn cuộn như sóng biển, nước dâng lên nhanh khủng khiếp. Thấy vậy, không những gia đình tôi mà nhiều gia đình khác co chân chạy lên sườn đồi, đứng trên triền đồi nhìn ngôi nhà, đồ đạc bị cuốn theo dòng nước mà tôi bất lực”- anh Thế Anh chia sẻ.

Anh Thế Anh cho biết thêm, gia đình đang phải nương nhờ ở nhà hàng xóm trên sườn đồi. Mọi sinh hoạt bị đảo lộn, điện không có, sóng điện thoại không và thực phẩm thì thiếu.

Sau khi trận lụt qua đi, chính quyền các cấp cũng đã về hỏi thăm động viên và trao số tiền 1 triệu đồng, thùng mì tôm cho những gia đình có nhà cửa bị cuốn trôi.

 Con đường dẫn vào xã Trung Thành, Trung Sơn (Quan Hóa) sau cơn lũ.

Anh Cao Thanh Bình - trưởng bản Sa Lắng (xã Thanh Xuân, huyện Quan Hóa) cho biết, ngày 30.8, thấy dòng nước sông Mã dâng cao khủng khiếp, quá lo lắng, tôi đã kêu gọi bà con chạy lên núi, đến khi hỏi lại mới hay, nguyên nhân là do nhà máy thủy điện Trung Sơn xả lũ.

Cầu treo xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa bị nước lũ cuốn hỏng.

“Thật đau lòng, khi nhìn cảnh những người dân bỏ lại nhà cửa chạy thoát thân lên núi, khi lũ qua đi, trở về nhà chỉ còn là đống đổ nát trộn trong lớp bùn đất dày đặc, thật xót xa” - trưởng bản Sa Lắng bùi ngùi sau cơn lũ. 

Ông Phạm Văn Diện - Chủ tịch UBND xã Trung Sơn - cho biết, sau đợt mưa lũ, xã có tổng 357 hộ bị ảnh hưởng, trong đó số nhà bị sập hoàn toàn là 88 hộ. Riêng tại bản Co Me, 154 hộ có nguy cơ không ở được do nhà bị lũ cuốn và tình trạng lún sụt, sạt lở đất vẫn diễn ra.

Trường tiểu học xã Trung Sơn ngập trong bùn đất.

Sau khi lũ rút, người dân tại đây đang phải đối mặt với cảnh thiếu đói, bệnh tật.

Trước mắt, huyện Quan Hóa đã thành lập đoàn công tác, kịp thời thăm hỏi, động viên gia đình bị thiệt hại do mưa lũ, hỗ trợ lương thực và 1 triệu đồng/hộ cho các gia đình bị thiệt hại sập nhà hoàn toàn - ông Diện cho hay.

Gần nhà máy thủy điện Trung Sơn, tình trạng sạt lở nghiêm trọng.

Theo thống kê sơ bộ của UBND huyện Quan Hóa, sau lũ, địa phương có hơn 600 ngôi nhà bị ảnh hưởng, trong đó có gần 120 nhà bị đổ sập, cuốn trôi hoàn toàn do mưa lũ, sạt lở. Đến nay, vẫn còn nhiều xã đang bị mất điện, gián đoạn thông tin liên lạc.

 Người dân tìm kiếm đồ đạc còn sót lại trong các căn nhà bị sập đổ, cuốn trôi sau trận lũ.

Mưa lũ cũng đã làm 2 cầu treo bắc qua sông Mã tại các xã Phú Xuân và Trung Thành bị hư hỏng hoàn toàn; hàng chục nhà xưởng, cột điện bị đổ, 4 trạm biến áp bị ngập nước.

Dự kiến, để khắc phục những khó khăn trên, cần phải một khoảng thời gian dài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn