MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người xưa có quan niệm kiêng quét nhà vào ngày mùng 1 Tết. Ảnh: Hanoimoi

Đầu năm mua muối, không quét nhà và loạt kiêng kỵ vào mùng 1 Tết

Đặng Chung LDO | 05/02/2019 13:57
Người Việt xưa nay có tục mua muối đầu năm để lấy may và kiêng quét nhà, kiêng cho nước, cho lửa… trong những ngày đầu năm mới.

“Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”

Vào những ngày đầu tiên của năm mới, người Việt có thói quen mua một túi muối, hoặc bát muối có ngọn mang về nhà lấy may cho cả năm. Vào những ngày cuối năm, người ta mua vôi về để quét lại nhà, tường, cổng với hy vọng tránh được những điều không may.

TS Khoa học Đoàn Hương cho rằng đây là phong tục đẹp của dân tộc và nên gìn giữ. Xưa kia, người Việt thường mua vôi để rải quanh vườn, nhằm trừ tà ma. Theo khoa học, vôi là thứ sát trùng rất tốt. Việc quét vôi và rải vôi bột còn nhằm tiêu trừ mầm bệnh, vi khuẩn.

Ngoài ra cũng có quan niệm rằng, vào ngày 23 tháng Chạp, người dân làm lễ để tiễn ông Công, ông Táo lên chầu trời. Sau khoảng thời gian này, người dân sẽ mua vôi, hoặc dựng cây nêu trong nhà mang ý nghĩa trừ tà, bảo vệ gia đình trong lúc ông Công, ông Táo tạm đi vắng.

Còn tục mua muối đầu năm đã có từ rất lâu đời. Người Việt quan niệm muối là thứ cực kỳ giá trị, được kết tinh từ vị mặn của biển. Vì vậy, ngày đầu năm mới, người dân quan niệm mua được muối, có được vị mặn của muối thì cả năm mọi thứ đều mặn mà, tốt đẹp.

Muối cũng là biểu tượng của tình cảm thắm thiết, mặn nồng, gắn kết, no đủ. Tục mua muối đầu năm với ý nghĩa cầu mong sự đậm đà trong tình cảm gia đình, sự hòa thuận, gắn bó giữa vợ chồng, con cái.

Còn có quan niệm cho rằng, câu nói “đầu năm mua muối cuối năm mua vôi” còn có ý nghĩa là để cha mẹ nhắc nhở con cái “ăn dè”, tiết kiệm để dành tiền “cuối năm mua vôi” xây nhà.

TS Khoa học Đoàn Hương cho rằng tục mua muối đầu năm mới có từ lâu đời.

Theo TS Đoàn Hương, dù hiểu theo cách nào thì đây vẫn là một phong tục đẹp của dân tộc. Vào thời khắc giao thừa, sau khi cúng gia tiên, người dân thường đi lễ chùa và mua muối để cầu may mắn.

Sáng mùng 1 Tết, ở Hà Nội vẫn có những tiếng rao của người bán muối. Những người phụ nữ quẩy gánh muối đi tung tẩy khắp phố phường để bán, để mang lại may mắn cho mọi người đã trở thành hình ảnh quen thuộc và rất đẹp của Hà Nội.

Vì sao kiêng quét nhà vào mùng 1 Tết?

 Theo quan niệm của người xưa truyền lại, ngày mùng 1 Tết tuyệt đối không quét nhà. Nếu quét nhà trong ngày này đồng nghĩa với việc quét hết tài lộc, may mắn ra ngoài. Không cho vay mượn tiền bạc, bởi sự vay mượn báo hiệu điềm xấu, sự túng thiếu sẽ đến. Bên cạnh đó, mọi người tránh nhắc nợ nhau vào ngày đầu xuân năm mới.

Theo TS Lê Xuân Phương - chuyên gia phong thuỷ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu doanh nhân và doanh nghiệp Đông Nam Á, những kiêng kỵ ngày tết nói trên đã có từ nhiều đời nay. Nó bắt nguồn từ việc con người có nhận thức giá trị tốt và xấu, rút ra bài học để tránh và được truyền trong dân gian, từ đời này qua đời khác.

“Mỗi địa phương có cách nhìn nhận khác nhau, từ đó có những kiêng kỵ khác nhau. Có cái đúng, chưa đúng, có cái mập mờ và có cái sai”- TS Phương chia sẻ.

Nói về việc ngày mùng 1 Tết các gia đình thường kiêng quét nhà, TS Phương cho biết, ông cha ta quan niệm ngày mùng 1 Tết làm gì cũng phải thận trọng để có sự lắng đọng. Thường người dân miền Bắc chờ đến chiều tối mới quét nhà, mới đổ rác đi vì cho rằng nếu quét rác vào mùng 1 Tết là không có sự để dành. Có điều này là do người miền Bắc có quan niệm cần phải giữ gìn, dành dụm để phòng những lúc đói khát, “được mùa chớ phụ khô khoai”.

Rồi nhiều kiêng kỵ khác như: Không làm đổ, vỡ đồ đạc, kỵ đánh thức người khác sáng mùng 1, vì quan niệm người nằm ngủ sẽ chịu sự thúc giục về công việc, cuộc sống suốt năm.

Nêu quan điểm về những kiêng kỵ này, GS-TS Nguyễn Chí Bền - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia - cho rằng, quan trọng nhất vào sáng mùng 1 Tết là các gia đình làm mâm cơm cúng gia tiên, rồi quây quần bên nhau, để thể hiện ước vọng có một năm mới đầm ấm, thuận hòa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn