MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rừng pơmu Tây Giang (Quảng Nam)

Đầu rừng, cuối sông

Trà Bang LDO | 20/02/2018 15:54

Bảo vệ rừng không chỉ để giữ môi trường sinh quyển cho muôn loài, mà với miền Trung hiện nay công cuộc bảo vệ rừng còn được xem là hướng đi mới để phát triển kinh tế và chung sống hài hòa, nhân ái với vạn vật.

Việc huyện Tây Giang, Quảng Nam liên tiếp khám phá ra 2 quần thể pơmu và đỗ quyên cổ đang mở ra nhiều cơ hội để phát triển loại hình du lịch khám phá mới lạ, hứa hẹn thêm nhiều điểm đến thú vị.

Bảo vật của rừng

Năm 2011 chính quyền huyện Tây Giang đã phát hiện khu rừng pơmu đại thụ với hơn 1.200 cây hàng ngàn năm tuổi trên đỉnh Zi'Liêng, ở độ cao trên 1.500 m, thuộc xã xã AXan. Với những giá trị độc đáo, hiếm có này, chỉ vài năm ngay sau đấy, quần thể pơmu cổ thụ này lập tức được công nhận là rừng cây di sản.

Tiếp đó, năm 2017, huyện Tây Giang tiếp tục khám phá thêm rừng đỗ quyên cổ trải dài trên diện tích hơn 50 hécta trên đỉnh Chơ'Lang, thuộc xã Tr'Hy. Rừng đỗ quyên cổ này không phải nằm sâu thẳm giữa đại ngàn Trường Sơn, không xa như rừng pơmu.

Theo mô tả của Bí thư huyện Tây Giang, ông Bh'riu Liếc, từ đỉnh núi Quế- điểm dừng chân trên đường từ xã A Tiêng đi Tr'Hy, chỉ mất khoảng 4 đến 5 giờ đi bộ là tới được rừng đỗ quyên. Đó là đoạn đường rừng nguyên sinh với địa hình hùng vỹ và cảnh sắc hấp dẫn. Vào đến rừng đỗ quyên chỉ có thể đi bộ, song với độ cao trên 2.000 mét so mực nước biển, khí hậu ở đây mát mẻ, dễ chịu, thích hợp với loại hình du lịch trải nghiệm. Nhờ độ cao, không khí trong lành nơi đây đã nuôi dưỡng cho những cánh hoa đỗ quyên có một vẻ đẹp lạ thường.

Đỗ quyên vốn được mệnh danh là nữ hoàng của các loài hoa, nhưng với 3 sắc hồng, trắng, tím, những đại đóa đỗ quyên ở đây có thể gây choáng ngợp với những người lần đầu tiên chiêm ngưỡng. Ngoài ra, thân gốc của loài hoa này còn là những tác phẩm nghệ thuật, bởi chúng có những hình hài cổ dị, độc đáo, ngả theo triền núi.

Ý tưởng người hạ du...

Để cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy nhà nước hiệu quả, ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư TP.Hội An có ý tưởng là sát nhập lại một số tỉnh, thành. Trong đó, theo ông Sự sát nhập Quảng Nam và Đà Nẵng là khả thi nhất. Ngoài sự tương đồng về văn hóa, địa lý, phong tập tục quán... thì Quảng Nam và Đà Nẵng thực chất là "một nhà". Đặc biệt, với bối cánh đô thị hóa nóng, đất tại Đà Nẵng gần như cạn nguồn để phát triển.

Trong khi đó, Quảng Nam quỹ đất còn rộng lớn, nhưng tiềm năng đầu tư lại không nhiều. Nếu sát nhập lại, Đà Nẵng có thể chuyên tâm phát triển thành một đô thị thông minh. Ở đó chỉ tập trung các ngành công nghiệp công nghệ cao, tài chính ngân hàng, du lịch thương mại, đào tạo chất lượng cao... Trong khi đó, Quảng Nam sẽ đảm nhiệm việc phát triển các khu công nghiệp nặng, công nghiệp gia công, chế tạo, phát triển các đô thị công nghiệp ven biển, cảng, thậm chí gom cả sân bay Đà Nẵng vào Chu Lai thành một sân bay quốc tế.

Điều đặc biệt theo ý tưởng đề xuất của ông Nguyễn Sự, nếu sát nhập được như vậy, thì Quảng Nam - Đà Nẵng sẽ có một quỹ đất lớn, theo đó có điều kiện để "khoanh" hoàn toàn khu vực miền núi lại. Song song với việc khai thác có hiệu quả, đảm bảo an toàn các hồ thủy điện thì việc bảo vệ rừng sẽ triển khai nghiêm ngặt. Không chỉ đảm bảo một lá phổi lành mạnh mà còn bảo tồn tài nguyên thiên nhiên cho thế hệ con cháu mai sau.

Ông Sự phân tích, những biểu hiện tiêu cực do phát triển nóng ở các đô thị đồng bằng hiện nay như sạt lở bờ biển, ngập lụt, ô nhiễm môi trường... đều có nguyên nhân từ việc phá rừng. Phá rừng khai thác gỗ, trồng cây nguyên liệu, phá rừng làm thủy điện, khai khoáng... đã góp phần hủy hoại môi trường, gây hệ lụy xấu cho miền xuôi. Hiện, miền núi lại thiếu quy hoạch đặc thù, nhiều địa phương có biểu hiện "đô thị hóa"... nên mục tiêu bảo vệ rừng rất khó.

Hành động "đầu con nước"

Ông Nguyễn Sự với nhiều năm lãnh đạo một địa phương ở hạ du, chứng kiến cảnh người dân chịu quá nhiều di hại do thiên tai, bão lụt nên ước mơ về một cánh rừng nguyên sinh, bao phủ rộng lớn toàn bộ cánh tây của tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng để đời sống người miền xuôi được an toàn là điều dễ hiểu. Điều thú vị là với ông Bh'Liếc, một cán bộ ở huyện miền núi biên giới cũng có một ước mơ tương tự. Bảo vệ sự nguyên vẹn của rừng là khát khao thường trực của ông Liếc.

Chương trình hành động bao nhiêu năm nay của vị lãnh đạo huyện miền núi Tây Giang giống như tuyên ngôn: "Rừng còn, Tây Giang phát triển. Mất rừng, Tây Giang suy vong". Chính vì vậy, tất cả các chương trình hoạt động, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, thậm chí các chương trình tái định cư, sắp xếp dân cư đều lấy phương châm bảo vệ rừng lên hàng đầu.

Ông Bh'riu Liếc cho biết, từ năm 2016, khi huyện Tây Giang tổ chức đón nhận Bằng cây Di sản Việt Nam đối với quần thể pơmu, thì địa phương đã tổ chức thành công các tour du lịch trải nghiệm, thăm quan rừng pơmu. Nhiều đoàn phượt thủ đến tham quan, tỏ ra rất thích thú và đánh giá cao sản phẩm độc đáo này. Tây Giang sẽ chắt lọc tổ chức các lễ hội văn hóa tâm linh như lễ mừng lúa mới, lễ hội ăn trâu, tạ ơn rừng... để tạo ra nhiều điểm đến và có thêm sản phẩm thu hút du khách.

Ước mơ sát nhập 2 địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng để có điều kiện bảo vệ tuyệt đối rừng đông Trường Sơn của ông Nguyễn Sự chưa biết có thành hiện thực không, nhưng ý tưởng về bảo vệ rừng và khai thác bền vững ở huyện Tây Giang thì đã được ông Bh'Liếc triển khai quyết liệt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn