MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sơ đồ tuyến dự án. Ảnh: ĐTM

Đầu tư 5.600 tỉ đồng cho hơn 10km đường vành đai 3,5 đoạn qua Thanh Trì

Huy Hùng LDO | 19/06/2024 14:27

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tham vấn cộng đồng báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án thành phần 2: Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3,5 đoạn từ Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), tổng chiều dài dự án khoảng 10,34km có vị trí xây dựng như sau: Điểm đầu tại Km0+000, đường Phúc La Văn Phú - Quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Điểm cuối dự kiến tại Km10+340, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ trên địa phận huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.

Tuyến đường đi qua địa phận 10 xã/phường: Quận Hà Đông (3 phường): Phường Phú La, Kiến Hưng, Phú Lương và huyện Thanh Trì (7 xã): Xã Hữu Hòa, Tả Thanh Oai, Vĩnh Quỳnh, Đại Áng, Ngọc Hồi, Ngũ Hiệp, Tứ Hiệp.

Tổng diện tích đất dự kiến cần thu hồi của Dự án khoảng 1.299.353 m2 (129,9 ha) trong đó đất trồng lúa 2 vụ khoảng 48,54 ha. Diện tích chiếm dụng tạm thời khoảng 6.000 m2 để làm công trường. Tuyến nghiên cứu với quy mô mặt cắt ngang lớn từ 60-80m, cắt qua nhiều khu vực có địa hình khác nhau, khu vực bãi trống, đất trũng ao hồ, sông nhỏ hoặc qua khu dân cư hiện hữu đông đúc.

Theo ĐTM, việc đầu tư xây dựng tuyến đường 3,5 trên qua địa bàn quận Hà Đông và huyện Thanh Trì (từ Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) là phù hợp với quy hoạch, nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra đặc biệt vào giờ cao điểm. Sau khi tuyến đường được đưa vào khai thác sẽ tăng cường khả năng thông hành, giảm nguy cơ tai nạn giao thông, tắc nghẽn giao thông trên tuyến đường, Vành Đai 3, đường Giải phóng (QL1A), đường Quang Trung (quận Hà Đông)...

Việc đầu tư xây dựng tuyến đường 3,5 trên địa bàn quận Hà Đông và huyện Thanh Trì sẽ đồng bộ hạ tầng giao thông, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân nói chung và các khu đô thị mới dọc theo tuyến đường 3.5 trên địa bàn quận Hà Đông và huyện Thanh Trì nói riêng, phục vụ việc lưu thông của dân cư trong và ngoài khu vực, từng bước hoàn chỉnh quy hoạch giao thông vận tải của thành phố Hà Nội.

Trên tuyến có bố trí 6 cầu bao gồm: cầu sông Nhuệ, cầu Hòa Bình và cầu Tô Lịch, cầu vượt Đường sắt, cầu vượt QL1A và cầu vượt nút giao cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ có quy mô mặt cắt ngang phù hợp với quy mô tuyến đường.

Dự án dự kiến hoàn thành bàn giao vào quý IV năm 2027. Tổng mức đầu tư khái toán khoảng 5.601.544 triệu đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn