MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nước sạch sinh hoạt có màu và mùi lạ tại thị trấn Bo (Kim Bôi, Hòa Bình) khiến bà con bức xúc. Ảnh: Minh Tùng

Đầu tư 733 tỉ đồng, quá nửa công trình nước sạch Hòa Bình không hoạt động

Cẩm Hà LDO | 07/10/2023 14:11

Số liệu giám sát của đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho thấy trên địa bàn đang có hàng trăm công trình nước sạch hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động.

Ngày 7.10, theo thông tin từ cổng thông tin điện tử Quốc hội, Đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hòa Bình do Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình - Đặng Bích Ngọc làm Trưởng đoàn trong ngày 6.10 thực hiện giám sát việc quản lý, vận hành và khai thác các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Các số liệu được tỉnh Hòa Bình công bố cho thấy trên địa bàn tỉnh hiện có 360 công trình cấp nước sạch được xây dựng từ nhiều nguồn vốn với tổng mức đầu tư 733,735 tỉ đồng.

Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay chỉ có 37 công trình hoạt động bền vững; 62 công trình hoạt động trung bình.

Trong khi đó có tới 80 công trình hoạt động kém hiệu quả và 181 công trình không hoạt động, tương đương hơn 50% số công trình.

Nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh trên địa bàn liên quan đến việc cấp nước sạch nông thôn như hệ thống văn bản pháp quy về lĩnh vực nước sạch nông thôn vẫn đang được hoàn thiện, còn nhiều tồn tại, khó khăn trong quản lý, khai thác.

Đáng chú ý, việc thu tiền sử dụng nước đối với người dân nông thôn gặp rất nhiều khó khăn. Các chủ thể được giao quản lý công trình chủ yếu thực hiện theo phương thức tự khai thác (cấp nước, thu tiền nước).

Trong khi đó, việc sửa chữa, bảo dưỡng công trình do đơn vị tự thực hiện; công nhân quản lý vận hành chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, nên chủ yếu áp dụng phương thức sửa chữa nhỏ mang tính tạm thời, mang tính chất trông giữ công trình, không có kinh phí sửa chữa nên xuống cấp, hư hỏng nhanh...

Từ thực tế trên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình - Đặng Bích Ngọc nhìn nhận hiện vẫn còn nhiều khó khăn trong quản lý, vận hành các công trình nước sạch nông thôn trên địa bàn.

Theo đó, Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan tham mưu tăng cường tuyên truyền đến chính quyền, người dân trong quản lý, vận hành, sử dụng hiệu quả các công trình.

Đồng thời rà soát lại toàn bộ các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn, xác định đầu mối, chủ đầu tư, đánh giá lại thực trạng từng công trình để có biện pháp giải quyết phù hợp.

Trong quản lý, vận hành quan tâm đến yếu tố con người. Thống nhất đơn giá trên địa bàn tỉnh... Đối với những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu, đoàn khảo sát tổng hợp trình các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết trong thời gian tới.

Như Lao Động phản ánh, ngày 3.10, nhiều tài khoản mạng xã hội ở thị trấn Bo, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) đã đăng thông tin bức xúc về việc nước có mầu đục, mùi lạ.

PV Báo Lao Động đã có mặt tại khu Mớ Đá, thị trấn Bo để tìm hiểu sự việc. Theo ghi nhận, người dân đã để lại chậu nước có màu đục, cặn lắng bên dưới, kèm theo mùi rất khó chịu và cung cấp thêm video làm bằng chứng cho sự việc trên.

Ông Đinh Trọng Tuấn (50 tuổi, trú xóm Mớ Đá, người phát hiện sự việc) cho hay: “Vào 8h20 ngày 3.10, khi sử dụng phát hiện nước có màu đục kèm theo cát và mùi tanh, tôi đã nhờ hàng xóm đăng lên mạng xã hội”.

Đơn vị cấp nước sau đó tạm dừng cấp nước tuyến nêu trên và cho rà soát tuyến ống tìm nguyên nhân. Nguyên nhân ban đầu có thể là do gãy vỡ đường ống nước dẫn đến nước có màu như người dân phản ánh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn